Đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu
Từ đầu năm đến nay các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ thông qua việc rao bán hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.
Chẳng hạn VietinBank đã phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá và lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, khoản nợ để thu hồi nợ xấu với các khoản nợ có giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng này đang muốn chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ phát sinh với Công ty TNHH Thương mại và Vận tải dầu khí Đại Lộc tại chi nhánh Thủ Đức để xử lý thu hồi nợ. Tổng dư nợ của khoản vay này đến ngày 13/5 là hơn 119 tỷ đồng, bao gồm 80,4 tỷ đồng nợ gốc và 38,6 tỷ đồng nợ lãi.
Một ngân hàng khác là Vietcombank cũng thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí – CTCP với giá khởi điểm 270,6 tỷ đồng để thu hồi nợ vay…
Để xử lý nợ xấu hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. |
Có thể nói bán tài sản đảm bảo là một trong những giải pháp mà các ngân hàng đã, đang đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn vừa qua để xử lý, thu hồi nợ xấu và được đánh giá góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu.
Tại báo cáo đánh giá về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về XLNX, tài sản bất động, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đánh giá: nợ xấu được xử lý của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (NQ 42). Các hình thức XLNX được đa dạng hóa, đặc biệt là nợ nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so với trước đây.
Nhờ đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2% đạt mục tiêu đặt ra khi ban hành NQ là duy trì dưới 3%. Nhiều TCTD có tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể so với thời điểm trước khi triển khai NQ này. Bên cạnh đó, quy mô, năng lực tài chính của các TCTD được tăng cường; năng lực quản trị, điều hành tiếp tục được nâng cao; sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD được giữ vững. Hệ thống các TCTD giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19…
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho rằng, kết quả XLNX chưa thực sự vững chắc, một số biện pháp áp dụng theo NQ 42 còn chưa thực sự phát huy hiệu quả như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án… Thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Nga gây ra xáo trộn cho nền kinh tế thế giới tác động đến tình hình xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu của Việt Nam cũng như đặt ra rủi ro đối với ngành Ngân hàng. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2021.
Đến 31/12/2021, nếu đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31%. Mặc dù kết quả xử lý nợ xấu theo NQ 42 trong gần 5 năm qua khá tích cực, đạt 380.200 tỷ đồng nhưng nợ xấu chưa xử lý theo NQ 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412.670 tỷ đồng. Số nợ xấu xác định theo NQ 42 chưa được xử lý (bao gồm số nợ xấu phát sinh mới) dự kiến có thể lên đến mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 443.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Chưa kể, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ XLNX trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại. Trong đó, XLNX theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm đáng kể do tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình tài chính của khách hàng.
TS. Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ nợ xấu tăng mạnh trở lại do khách hàng vay vốn dù đã được khoanh nợ, giãn nợ nhưng vẫn gặp khó khăn nên chưa thể có nguồn để trả nợ đúng hạn.
Do đó, việc tiếp tục thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp về XLNX, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD. Để công tác XLNX được triển khai có hiệu quả trên thực tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc XLNX nói chung và theo NQ 42 nói riêng, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo NHNN với vai trò là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác thực thi, hướng dẫn NQ 42 đảm bảo đầy đủ, thống nhất.
Các chuyên gia cho rằng, cần phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai NQ 42. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các TCTD thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, XLNX gắn với Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2026. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả công tác XLNX theo NQ 42, Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ đạo Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo Toà án Nhân dân các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của NQ 42 và Nghị quyết số 3 năm 2018; Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại NQ 42…