Theo ghi nhận của VnExpress từ đầu năm đến nay, giá dầu thực vật đã được các đại lý điều chỉnh ba lần từ 32.000 đồng lên 48.000 đồng một lít. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020, lên 48.000-55.000 đồng mỗi lít.
Tương tự, dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, hướng dương, gạo lứt tăng lên 68.000-85.000 đồng một lít, tăng 90% so với cùng kỳ 2020.
Chị Hoa, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp) cho biết giá dầu điều chỉnh liên tục nên chị chỉ nhập vào những dòng sản phẩm có giá hấp dẫn nhất. Riêng với những dòng sản phẩm cao cấp, đại lý đã ngưng lấy hàng từ cuối tháng 3 để tránh tồn kho vì giá tăng cao. “Chưa khi nào giá dầu ăn tăng mạnh như năm nay”, chị Oanh nói.
Diễn biến giá bán lẻ dầu ăn tại thị trường Việt Nam. |
Tại các hệ thống siêu thị, nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá được đưa ra nhưng các quản lý cho hay hiện dầu ăn vẫn là sản phẩm nằm trong nhóm tăng mạnh nhất. “Giá dầu tăng mạnh đã làm ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường”, quản lý siêu thị trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) cho hay.
Giá dầu tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ sự tăng vọt của giá nguyên liệu sản xuất. Lãnh đạo doanh nghiệp dầu ăn có thị phần lớn ở TP HCM cho biết hai năm qua, giá dầu cọ đã tăng gấp bốn lần.
“Nguyên liệu dầu cọ đang chiếm 80-90% trong cấu thành sản phẩm dầu thực vật. Do vậy, khi giá dầu cọ đi lên, dầu ăn buộc phải tăng theo”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Hôm 27/4, Bộ Nông nghiệp Indonesia, cấm doanh nghiệp nước này xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn với thời hạn không xác định. Quyết định trên của Indonesia – quốc gia chiếm 1/3 xuất khẩu dầu ăn toàn cầu – khiến giá dầu cọ trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Thống kê của Hội đồng dầu cọ Malaysia (MPOC) trên các sàn giao dịch cho thấy chỉ sau hai ngày công bố thông tin từ Indonesia, giá giao dịch dầu cọ hôm 29/4 đạt 7.104 ringgit (37,4 triệu đồng một tấn), tăng 2,74% so với ngày trước đó.
Trước diễn biến này, lãnh đạo doanh nghiệp dầu ăn có thị phần lớn ở TP HCM cho rằng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang tạo sức ép rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Các chi phí liên quan như giá vận chuyển, bao bì cũng tăng gấp đôi khiến lợi nhuận doanh nghiệp ngành này năm nay bị “ăn mòn”.
“Nửa cuối năm, nếu tình hình trên thị trường thế giới bất ổn, nhiều quốc gia trở nên khan hiếm dầu, giá sẽ còn tăng tiếp”, ông dự báo.
Tại Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu cọ, đậu nành và dầu hướng dương lớn nhất thế giới cũng đối mặt với tình trạng hàng hóa tăng giá. Chính phủ nước này đang cố gắng hạn chế việc tích trữ dầu ăn, nhưng giá mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ở châu Âu, dầu ăn hiện được liệt vào danh sách khan hiếm. Người dân Tây Ban Nha đổ xô đi mua tích trữ dầu ăn khiến sản phẩm này tăng giá gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với thủ phủ dầu cọ Malaysia, giá dầu đã quay về mốc 34 triệu đồng một tấn. Nhưng theo Trading Economics và kỳ vọng của các nhà phân tích, giá giao dịch mặt hàng này sẽ ở mức 7.334 ringgit (tức gần 39 triệu đồng một tấn) trong thời gian 12 tháng tới. Đây cũng sẽ là mức cao nhất mọi thời đại, vượt mốc 7.268 ringgit vào tháng 3 năm nay.