Thức ăn chăn nuôi đã tăng giá 14 đợt, vẫn tăng tiếp
Theo các chủ trang trại chăn nuôi, tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã được điều chỉnh 14 đợt. Điều đáng nói là, mặc dù vừa được điều chỉnh tăng trong tuần qua, nhưng đã có thông tin giá thức ăn chăn nuôi còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới, khiến người chăn nuôi vô cùng lo lắng.
Theo tìm hiểu của PV, từ 1/5, Công ty MNS Feed đã tăng 300-500 đồng/kg thức ăn chăn nuôi (cám), áp dụng tại khu vực miền Nam. Công ty De Heus cũng đã tăng 300-400 đồng/kg đối với hầu hết loại cám, áp dụng từ tỉnh Quảng Trị đến Cà Mau.
Mặc dù nỗ lực “cầm cự”, nhưng do giá nguyên liệu nhập khẩu như ngô, đậu nành… tăng quá cao, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giá cám thành phẩm. Cụ thể, các công ty: Emivest Feedmill (Tiền Giang), Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long), CJ Vina Agri… đã điều chỉnh tăng từ 300 – 400 đồng/kg đối với hầu hết sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong khi người chăn nuôi chưa hết “sốc” vì đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi mới đây, thì hiện nay đã có thông tin khoảng 2 tuần nữa giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục vào đợt tăng mới, bởi chi phí logistics vẫn tiếp tục tăng; xung đột Nga – Ukraina căng thẳng đã khiến giảm sút lượng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu.
“Thông tin chúng tôi được biết dù chưa xác nhận chính xác, trong khoảng 15 ngày nữa sẽ có đợt tăng giá mới” – ông Nguyễn Kim Đoán cho hay.
Người nuôi đang lao đao vì giá thưc ăn chăn nuôi liên tục phi mã. Ảnh: Báo Lao Động |
Người chăn nuôi đang “khóc ròng” vì thua lỗ
Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – NNPTNT), giá cám tăng là đòn nặng nề “đánh” vào người chăn nuôi, bởi hầu hết người nuôi đang không có lãi.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Hà Văn Tuấn (chăn nuôi lợn tại Phương Định, Trực Ninh, Nam Định), cho hay đầu tháng 5, đại lý thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng giá bán thêm 400 đồng/kg đối với cám dành cho lợn. Giá cám quá cao “ăn” hết lợi nhuận của người nuôi.
“Hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ đang bán lợn sát với giá thành sản xuất, thậm chí bán dưới giá thành. Giá cám cao trong khi giá lợn hơi bán ra tại Nam Định ngày 5/5 chỉ 54.000 đồng/kg, thì người nuôi lỗ nặng. Tính sơ bộ, mỗi con lợn 1 tạ bán ra, người nuôi đã lỗ 800.000 đồng” – ông Hà Văn Tuấn buồn rầu chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng – chăn nuôi lợn tại Đội 6 Văn Thành (Yên Thành – Nghệ An) thông tin thêm: Mặc dù chỉ tăng 300-400 đồng/kg, tưởng nhỏ nhưng mỗi bao cám tăng khoảng 40.000 đồng, 1 con lợn đủ 1 tạ phải ăn 10 bao, tính ra tiền cám đã “đội” lên 400.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch Hội chăn nuôi miền Bắc – miền Trung cũng chia sẻ: Dù thua lỗ, nhưng chủ các trang trại (phần lớn là trang trại nhỏ) vẫn phải “cắn răng” nuôi, chỉ giảm bớt số lượng, phòng khi giá tăng trở lại sẽ “trở tay không kịp”.
“Không có lãi vẫn phải nuôi để duy trì đàn, bởi nếu bỏ chuồng, khi giá lợn tăng trở lại sẽ không có lợn bán ra” – ông Nguyễn Văn Thành nói.
Còn theo ông Nguyễn Kim Đoán, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã nhiều lần thông báo tăng giá cám, mỗi lần tăng 300-400 đồng, trong khi giá lợn hơi hiện nay chỉ 54.000-55.000 đồng, người nuôi đang không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho hay, không riêng gì chăn nuôi lợn, người nuôi gia cầm cũng đang “méo mặt” vì giá cám không ngừng “phi mã”.
Hiện nay, giá gà lông trắng bán ra ở mức 36.000 đồng/kg, nhưng giá thành sản xuất đã 28.000-29.000 đồng/kg, nếu không tính toán, người nuôi cầm chắc thua lỗ.
Khó tận dụng phụ phẩm nông nghiệp vào thức ăn chăn nuôi
Theo Cục Chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65-70% giá thành tùy quy mô chăn nuôi và kỹ thuật nuôi. Nay giá cám tăng, đồng nghĩa với Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi đang là chi phí lớn nhất. Trao đổi với PV Lao Động, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, có thể sử dụng phụ phẩm trồng trọt như rau màu, cám gạo, ngô, khoai… để chế biến thức ăn chăn nuôi thay cho thức ăn tổng hợp sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, việc này chỉ có thể áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 3-5 con lợn. Còn với những hộ chăn nuôi lớn hơn, đặc biệt là với các trang trại hàng chục nghìn con lợn, thì giải pháp tận dụng này là không khả thi, bởi không thể có đủ nguồn nguyên liệu “tự túc” lớn như vậy. Hơn nữa, nếu bị thiếu hụt thức ăn hoặc ăn không đủ dinh dưỡng, lợn, gà sẽ còi cọc, chậm lớn, tỉnh trạng thua lỗ vẫn tiếp tục luẩn quẩn.
Theo Báo Lao Động