Hàng loạt ngân hàng TMCP tư nhân lần lượt công bố tăng lãi suất huy động |
Ngân hàng có thêm đợt tăng lãi suất mới
Ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank), từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022, hàng loạt ngân hàng TMCP tư nhân đều lần lượt công bố tăng lãi suất huy động.
Cụ thể, ngày 1/4, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới. Theo đó, lãi suất tăng thêm 0,3%/năm áp dụng với nhiều kỳ hạn như 6 tháng, 10-11 tháng. Tương tự, VietCapitalBank thông báo tăng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm áp dụng với một số kỳ hạn từ ngày 29/3/2021. Trước đó, một loạt ngân hàng khác như BacABank, OCB, MSB… cũng điều chỉnh tăng 0,1-0,3%/năm lãi suất huy động tùy từng kỳ hạn.
Cùng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng có biểu hiện nhích lên khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy (Hà Nội) cho hay, lãi suất cho vay đã được một số ngân hàng báo tăng 0,5%/năm so với năm ngoái. “Doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sau dịch, nhưng hiện giá vật liệu xây dựng và chi phí vận chuyển đều tăng chóng mặt, cộng thêm lãi vay tăng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, ông Việt Anh chia sẻ.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian qua, dù ngành ngân hàng đã quan tâm chia sẻ, có nhiều gói hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, song điều kiện lại khá khó khăn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận. Gói cho vay cấp bù lãi suất 2% cũng chưa triển khai, trong khi lãi vay lại đang có nguy cơ tăng.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa cho hay, thời gian qua, các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 1,5 – 2%/năm. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn do thu hẹp thị trường, chi phí tăng cao dẫn đến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn…, thì mức giảm này là không đáng kể, trong khi tiếp cận lãi suất ưu đãi rất khó. Ông Đoan đề nghị, các ngân hàng có thêm các giải pháp tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, sớm phục hồi sản xuất – kinh doanh.
Theo dự báo của HSBC, lãi suất điều hành sẽ tăng 50 điểm phần trăm trong quý III do áp lực lãi suất. Trước đó, các chuyên gia kinh tế Công ty Chứng khoán BVSC cũng dự báo, trước áp lực gia tăng của lạm phát, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ duy trì ở mức tương đối cao, chứ khó có thể giảm.
Ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank), rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới. |
Không để lãi vay dâng cao đột ngột
Mặc dù lãi suất cho vay và huy động đều có dấu hiệu nhích lên, song các chuyên gia cho rằng, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên năm nay vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp. Dự báo mặt bằng lãi suất huy động năm nay nhích lên, nhưng lãi suất cho vay không tăng do (NHNN) kiểm soát chặt cung tiền.
“Hiện nay, sức nóng tăng giá hàng hóa đã phả vào nền kinh tế, các bà nội trợ là những người nắm rõ nhất. Tuy vậy, tôi vẫn tin vào cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN mấy năm nay khá vững vàng, chuyên nghiệp. Do đó, chúng ta không quá lo ngại về lạm phát tiền tệ. Khi NHNN kiểm soát được cung tiền, lạm phát chi phí đẩy cũng được kiềm chế khá nhanh, không bị kích hoạt lên và vòng sau giảm so với vòng trước, lãi suất vì vậy cũng khó bị đẩy lên quá cao”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (NHNN) khẳng định, thời gian qua, NHNN kiểm soát rất chặt các chỉ tiêu tiền lệ để đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát không chỉ năm nay, mà cả những năm tiếp theo.
Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng luôn được NHNN kiểm soát chặt chẽ từng năm, thậm chí là từng quý, đưa ra nhiều giải pháp để nắn tín dụng chảy vào sản xuất – kinh doanh, hạn chế tín dụng rủi ro. Về thanh khoản, NHNN cũng có nhiều giải pháp để ổn định thanh khoản thị trường, duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý… Những yếu tố này đã góp phần kiểm soát lạm phát trong thời gian qua.
“Chỉ khi kiểm soát được lạm phát, chúng ta mới có khả năng giảm được lãi suất. Trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn, các biện pháp của NHNN đưa ra là làm sao cố gắng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề lãi suất. Thực tế, trong 2 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp, hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp phục hồi”, ông Long nhận định.
Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tổ chức tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Thống đốc cũng yêu cầu đơn vị trực thuộc điều hành chính sách tiền tệ phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh…