Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, thanh long, dưa hấu, tôm, cua… đồng loạt tăng mạnh. Trong khi dứa rớt giá thê thảm khiến nông dân lỗ nặng.
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.958 USD/ounce – đi ngang so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng bị kìm đà tăng trong phiên vừa qua do giới đầu tư chốt lời. Trong khi đó các quỹ ủy thác vàng từ chỗ mua ròng đã tạm ngừng để chờ đợi thông tin trên thị trường.
Theo giới phân tích, giá vàng đang tiệm cận ngưỡng cản 1.971 USD/ounce nên giới đầu tư tỏ ra thận trọng. Mặt khác, giá vàng còn chịu sức ép khi mới đây Mỹ cho biết sẽ cấm các giao dịch vàng với Nga.
Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ công bố: “Công dân Mỹ bị cấm tham gia vào bất kỳ giao dịch nào, bao gồm cả các giao dịch liên quan đến vàng với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia của Liên bang Nga hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga”.
Cùng với đó, mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Nga đang có dấu hiệu sử dụng vàng để lách các lệnh trừng phạt. Do vậy, Anh sẽ làm những việc cần thiết để đảm bảo Nga không thể bán vàng thỏi.
Hiện kho dự trữ vàng của Nga có giá trị khoảng 130 tỷ USD, lớn thứ 5 thế giới. Nếu Mỹ và Anh chính thức đưa ra lệnh cấm giao dịch vàng với Nga sẽ khiến thị trường vàng có phần giảm đi sự hấp dẫn và sôi động.
Tuần qua, giá vàng thế giới được hỗ trợ bởi sự gia tăng quân sự của khối NATO và Mỹ cho Ukraine, khiến căng thẳng địa chính trị leo thang. Giới đầu tư vàng tư nhân cũng như các quỹ ủy thác vàng đã đẩy mạnh mua kim loại quý nhằm kiếm lời và phòng ngừa rủi ro. Kết tuần, giá vàng thế giới tăng 36 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.
Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua – bán quanh mức 68,6 – 69,35 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua – bán trong khoảng 68,6 – 69,37 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 650.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua – bán quanh mức 68,3 – 69,2 triệu đồng/lượng, giữ giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua – bán quanh mức 68,4 – 69,2 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, vàng SJC trên thị trường đã tăng 800.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji đã tăng 600.000 đồng/lượng; còn Phú Quý tăng 550.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Theo một số doanh nghiệp, hiện thị trường vẫn đang có nhiều yếu tố hỗ trợ đó là căng thẳng tại Ukraine, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, giá vàng SJC trong nước đang tăng cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng, do đó giới đầu tư và người dân nên cân nhắc kỹ trước khi mua vào.
Ảnh minh họa. Ảnh: VTV.vn
Giá thanh long, dưa hấu tăng trở lại
Theo một số nhà vườn, giá thanh long ngày 23/3 bắt đầu tăng. Một số vùng trồng tại Bình Thuận đã bán được thanh long ruột trắng với giá 5.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 9.000 đồng/kg. Giá dưa hấu cũng nhích nhẹ lên 2.000 đồng/kg tại vườn. Cách đây vài ngày, giá thanh long, dưa hấu rớt xuống mức 1.000 đồng/kg nhưng vẫn khó kiếm được người mua.
Ghi nhận thực tế cho thấy, sau một thời gian dài thua lỗ vì giá thấp, nhiều chủ vườn thanh long đã phá bỏ diện tích sản xuất, giảm sản lượng đáng kể. Đối với dưa hấu cũng đã vào cuối vụ, sản lượng không còn nhiều.
Trong khi đó tình hình tắc nghẽn tại cửa khẩu đã có dấu hiệu khả quan hơn khi lượng xe chở hàng còn tồn đọng tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay chỉ còn dưới 1.000 xe. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thông tin, tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Chi Ma vẫn chưa thể thông quan do các quy định từ phía Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh chỉ còn cửa khẩu phụ Tân Thanh hoạt động, số lượng xe xuất khẩu bình quân mỗi ngày từ 70 – 90 xe, đa phần là xe chở trái cây như thanh long, mít xoài, chuối.
Giá tôm, cua ở miền Tây tăng
Hiện, giá cua biển tăng tại Cà Mau và các tỉnh ven biển là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Người dân và doanh nghiệp cho biết nguyên nhân giá cua tăng là do sản lượng ít, trong khi sắp đến lễ Thanh Minh (ngày 5/4)
Chị Ngọc Dẹn, chủ vựa cua ở Bạc Liêu cho biết cua gạch loại nhất (2 con/kg) giá tăng từ 450.000 lên 520.000 – 550.000 đồng, loại 4 con/kg giá 450.000 – 480.000 đồng.
“Cua thịt loại 4 con/kg giá 330.000 đồng, 3 con/kg 380.000 – 400.000 đồng, loại 2 con/kg giá 450.000 – 500.000 đồng. Giá này tăng hơn nửa tháng trước từ 50.000 – 70.000 đồng/kg”, chị Dẹn nói.
Đối với giá tôm, anh Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết công nhân đang thu mua 40 tấn tôm kích cỡ 50 – 80 con/kg. Sáng 22/3, tôm thẻ loại 50 con/kg giá 134.000 đồng, loại 80 con 118.000 đồng.
“Tôm thẻ loại 20 con/kg giá 230.000, 25 con 180.000 đồng. Tôm loại 90 con giá 107.000 đồng, 100 con 100.000 đồng. So với tuần trước, giá tôm hôm nay tăng 2.000 – 5.000 đồng/kg”, anh Giang nói.
Dứa rớt giá thê thảm, nông dân lỗ nặng
Dứa Nghệ An đang bước vào chính vụ thu hoạch, nhưng thương lái không thu mua khiến dứa rớt giá mạnh. Trong khi đó giá phân bón, thuê nhân công hái dứa, tiền vận chuyển tăng cao khiến người dân lỗ nặng.
Cụ thể giá dứa có trọng lượng 800-900g/quả loại to, đẹp được thu mua tại ruộng giá 3.500 đồng/kg. Đối với dứa “chặt đầu” (quả nhỏ, trọng lượng 400-500g/quả), giá chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm sâu so với giai đoạn cao điểm dứa được giá 10.000-11.000 đồng/kg.
Dứa nguyên liệu tại Nghệ An cung ứng chủ yếu cho các nhà máy. Sản phẩm qua sơ chế và chế biến của các doanh nghiệp sẽ được xuất khẩu sang Nga và thị trường châu Âu.
Do đó, khi xung đột tại Ukraine xảy ra đã tác động trực tiếp đến ngành dứa Việt Nam. Theo đó, nhà máy không thể xuất hàng nên hoạt động cầm chừng, dừng thu mua khiến dứa tồn động khủng tại các vườn.
Thêm vào đó, từ cuối năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản, nên giá dứa tại Nghệ An bị ảnh hưởng do cạnh tranh trong thị trường tiêu thụ nội địa.
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/3, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít; xăng RON 95 sẽ giảm 632 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán là 28.330 đồng/lít; RON 95 là 29.192 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 1.630 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.670 đồng/lít, dầu mazut giảm 560 đồng/kg. Sau điều chỉnh, dầu diesel có giá bán 23.630 đồng/lít, dầu hỏa 22.240 đồng/lít và dầu mazut 20.420 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 ở mức 200 đồng/lít, xăng A95 ở mức 50 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập.
Liên Bộ lý giải, kỳ điều hành lần này, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước (mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây), mức chi quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng đang được áp dụng ở mức tương đối cao (từ 300 – 1.500 đồng/lít) trong khi số dư quỹ bình ổn giá đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm).
Trước tình hình trên, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định giảm chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, bắt đầu trích lập quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá thế giới, giảm áp lực cho quỹ bình ổn giá và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo…
Theo Tieudung.vn