Nghị quyết 128/NQ-CP hồi sinh doanh nghiệp SME
Từ khi Nghị quyết 128 của Chính phủ chuyển chiến lược từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội là bước ngoặt về nhận thức và sự đúc kết kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn “nhiệm vụ kép”. Quyết định kịp thời, có phần táo bạo của Chính phủ, đã hỗ trợ doanh nghiệp SME nhanh chóng thoát khỏi tình trạng “đóng cửa”, sản xuất bị đóng băng dẫn đến nguy cơ bị phá sản, nền kinh tế đang trước nguy cơ suy giảm, tăng trưởng âm đã “chuyển mình” ngoạn mục.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 22.3.2022, bà Vũ Thị Thu Hiền – CEO Đồng phục Khánh Linh – một doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang đồng phục nhà hàng, khách sạn, cho hay:
“Ngay từ khi có quyết định 128 của Chính phủ, các nhà hàng, khách sạn mở cửa trở lại, doanh nghiệp chúng tôi đã hoạt động sản xuất trở lại, doanh thu tăng trên 80%, trong khi từ tháng 5.2021 đến tháng 9.2021 mọi hoạt động gần như bằng không, thậm chí âm vì phải đóng cửa nhưng vẫn phải hỗ trợ mọi chi tiêu sinh hoạt cho nhân viên. Sau vài tháng đóng cửa do COVID-19, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động” – CEO Vũ Thị Thu Hiền cho hay.
Ông Dương Minh Thanh – chủ một cơ sở sửa chữa điện dân dụng có quy mô khá lớn tại TP.Vinh (Nghệ An) cũng phấn khởi chia sẻ:
“Suốt nhiều tháng người lao động chỉ được hưởng mức lương trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng, rất khó khăn. Cũng may từ tháng 10.2021 được mở cửa trở lại, cơ sở của chúng tôi mới khôi phục hoạt động trở lại, sau một thời gian bị kìm nén do chính sách đóng cửa, hàng cần sửa chữa tới tấp gửi đến, doanh thu tăng gấp đôi” – ông Dương Minh Thanh nói.
Vào 19h ngày 18.3, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và các không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội đã hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm dừng do dịch COVID-19. Để hoạt động trên phố đi bộ được đảm bảo an toàn, các lực lượng chức năng đã bố trí máy đo thân nhiệt tự động tại các chốt trực, du khách khi tham gia vào không gian đi bộ phải thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định. Ngay trong những ngày đầu hoạt động trở lại, số người tham gia khá đông, không khí phố đi bộ thay đổi sức sống, dù hoạt động thương mại chưa nhiều.
Theo các chuyên gia kinh tế, những cơ sở sản xuất, những hoạt động kinh tế, xã hội nêu trên chỉ là số nhỏ trong 1 triệu doanh nghiệp SME, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ của Việt Nam, được “thoát chết” nhờ chính sách mở cửa trở lại theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Nghị quyết 128/CP-NQ của Chính phủ ban hành ngày 11.10.2021 đã kịp thời giúp xuất khẩu thuỷ sản đang đà lao dốc đảo chiều nhanh chóng. Nhờ đó, các doanh nghiệp thuỷ sản có điều kiện sản xuất thuận lợi, tận dụng cơ hội thị trường, đã hồi phục và bứt phá trong quý cuối của năm 2021 và tạo đà cho xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022. Kết quả đã đưa xuất khẩu thủy sản cả năm cán đích trên 8,8 tỉ, xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,5 tỉ USD.
Không riêng lĩnh vực thủy sản, hàng loạt nhóm ngành hàng xuất khẩu khác như: Điện tử, máy tính, linh kiện, đồ gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, hạt điều, gạo, caosu… đã tăng giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 53,79 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
1,7 triệu doanh nghiệp SME vẫn cần hỗ trợ lớn
Theo VCCI, hiện Việt Nam có khoảng 1,7 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ. Dự kiến đến năm 2030, con số này tăng lên khoảng 2,4 triệu DN. Số lượng DN SME chiếm tỉ lệ đến 96% trong tổng số DN được thành lập trong cả nước. Đây cũng là nhóm DN gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, thiếu tri thức để bảo vệ trước rủi ro pháp lý.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội (HANOISME), chia sẻ: Hiện tại, các doanh nghiệp SME vẫn gặp rất nhiều khó khăn, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm.
“Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm 40%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 60%. Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng “ – ông Mạc Quốc Anh nêu ý kiến.
Theo nhiều doanh nhân, tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử… hiện đang rất khó khăn do lượng lao động từ nông thôn lên thành thị đã giảm mạnh kể từ cuộc “tháo chạy” khỏi thành phố lớn để “né” dịch COVID-19 trong thời gian qua. Do đó, doanh nghiệp SME rất cần được hỗ trợ trong tuyển dụng nhân sự, người lao động, cụ thể là có chính sách miễn giảm thuế, phí… để thu hút lao động.
Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành và các địa phương cần tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, chồng chéo, cản trở khó khăn cho doanh nghiệp. Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh triển khai phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…
Đồng thời nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.
Theo Laodong.vn