Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, đề xuất này dựa trên đánh giá của ngành y tế, tình hình dịch trên địa bàn TP.HCM cũng như thực tế tại các cơ sở giáo dục trong thời gian qua.
Quy định hiện hành của UBND TP.HCM là F1 đã tiêm đủ liều vắc xin sẽ thực hiện cách ly y tế tại nhà 5 ngày, với F1 chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin sẽ thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày.
Tại nhiều trường học, số F1 liên tục tăng khi số F0 trong cộng đồng, nhà trường vẫn đang ở mức cao. Thậm chí, nhiều học sinh, giáo viên, nhân viên liên tục là F1. Điều này không chỉ dẫn đến việc thiếu nhân lực trong dạy và học trực tiếp, gây khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện nhiệm vụ kép, vừa dạy học vừa phòng chống dịch, mà còn gây khó khăn cho phụ huynh học sinh, ảnh hưởng đến kết quả dạy và học của các em…
“Tất nhiên, nếu F1 được đi học, đi làm thì trong quá trình tham gia vào việc dạy và học trực tiếp tại trường phải được giám sát, theo dõi, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà trường, phụ huynh, học sinh song trên hết là phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng cũng lưu ý các nhà trường, khi áp dụng quy trình xử lý F1 khi xuất hiện F0 phải có sự phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để được đánh giá, góp ý về chuyên môn sát sao nhất. Trong đó, việc khoanh ủng F1 phải có sự khu trú, hẹp nhất, nhỏ nhất, ít ảnh hưởng nhất đến việc học trực tiếp của học sinh trong lớp tuy nhiên phải đảm bảo không lây lan dịch bệnh.
Lãnh đạo sở nhấn mạnh, các trường được chủ động trong việc quyết định chuyển đổi hình thức học tập của lớp nếu trong một ngày lớp xuất hiện từ 2 F0 trở lên; Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận huyện được quyết định hình thức học tập của trường nếu trong một ngày trường xuất hiện 2 lớp có F0 trở lên.
Mặc dù vậy, việc đánh giá quyết định chuyển đổi hình thức dạy học phải được phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, phải đảm bảo khoa học, đảm bảo phòng dịch, khống chế dịch lây lan trong nhà trường nhưng không chủ quan, không làm mất quyền lợi học trực tiếp của học sinh.
Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, tính từ đầu tháng 3 đến nay, toàn thành phố ghi nhận trên 100.000 ca nghi nhiễm mới ở học sinh, xuất hiện cả ở trường và ở nhà. Con số nghi nhiễm mới xuất hiện ở cán bộ, giáo viên, nhân viên là khoảng 7.000 ca.
Theo GDTP