Theo Tường Vi (26 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) giá xăng tăng “không thấy đỉnh” chính là lý do khiến nhà cô phải thay đổi phương tiện đi lại như vậy.
“Nhà tôi ở KĐT Times City, chồng tôi lại làm ở đường Duy Tân (Cầu Giấy), cách nhau khoảng 10 km. Giờ đi làm hay tan tầm của chồng tôi đều đúng lúc cao điểm, tắc đường kéo dài, nếu lái ôtô thì không biết bao nhiêu tiền xăng cho đủ”, Vi chia sẻ với Zing.
Bỏ ôtô, đi xe máy
Theo Vi, cách đây khoảng vài tháng khi xăng chưa tăng giá chóng mặt, gia đình cô thường chi tiêu khoảng 4 triệu đồng/tháng để đổ xăng cho 2 chiếc ôtô, trong đó một chiếc ít sử dụng.
Chồng của Tường Vi chuyển sang đi xe máy vì xăng đắt đỏ. |
Còn giờ đây, chi phí “nuôi xăng” một chiếc đã lên đến 5 triệu đồng chưa kể một số dịp về quê, đi chơi đường dài.
“Thông thường, tôi đổ khoảng 1,4 triệu đồng đã được đầy bình xăng. Nhưng mới đây, cũng bình xăng đó mà tôi phải trả đến 1,7 triệu đồng, vài hôm nữa có lẽ sẽ lên tới 1,8 triệu đồng”, cô thở dài.
Vi cũng cho hay hiện gia đình cô chưa nhận thấy sự thay đổi lớn trong giá cả của các mặt hàng khác ngoài xăng dầu. Tuy nhiên, cô cho rằng một khi giá xăng tăng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cũng lần lượt tăng giá mà thôi.
“Chồng tôi giờ gần như đi xe máy hoàn toàn, chỉ khi có tôi hoặc con ra đường mới dùng đến ôtô. Xăng cứ tăng mãi thế này, nhà tôi đùa nhau hay là đi xe buýt”, Vi cười và nói.
Từ chối xe công nghệ
“Một tháng qua, tôi không đi xe hơi công nghệ nữa, chuyển về đi xe máy luôn rồi”, Nguyễn Thành An (27 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) nói với Zing.
Anh cho biết có thói quen đi lại bằng ôtô công nghệ từ 2 năm nay bởi sự thuận tiện, tránh được thời tiết nắng nóng tại TP HCM. Trung bình, mỗi tháng anh chi khoảng 10 triệu đồng cho hình thức di chuyển này.
Thành An từng là “fan cứng” của xe công nghệ với một ngày di chuyển tối thiểu 2 chuyến. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây anh nhận thấy giá cước đặt xe tăng lên đáng kể. Ví dụ, một chuyến ôtô từ nhà anh tại đường Phan Huy Ích đến nơi làm việc (đường Võ Văn Tần, quận 3) đã tăng lên mức 65.000-72.000 đồng, thay vì 50.000 đồng như trước đây.
Nhận thấy mình phải trả chi phí ngày một lớn cho tuyến đường không thay đổi, An quyết định lấy chiếc xe máy cũ ra sử dụng.
“Xe của tôi hiệu Honda Future, hiện đổ đầy một bình xăng là 70.000 đồng. Với số lượng xăng này, tôi có thể đi 2 vòng từ nhà đến công ty rồi quay đầu. Nếu đi xe công nghệ, cùng lộ trình đó, tôi đã tốn gần 300.000 đồng rồi”, anh cho hay.
An cho rằng giá xăng liên tiếp “vượt đỉnh” chính là nguyên nhân chính khiến xe công nghệ tăng giá.
“Biên độ tăng của giá xe công nghệ cao hơn hẳn so với giá xăng. Tôi đành chịu khó đi xe máy vậy, chờ xăng ‘hạ nhiệt’ rồi tính tiếp”, anh bày tỏ.
Cần thêm hỗ trợ
Sáng 10/3, khi đọc tin tức các doanh nghiệp dự kiến giá xăng, dầu ngày 11/3 có thể tăng hơn 3.000 đồng/lít, Nguyễn Tuấn Hoàng (27 tuổi), làm kỹ thuật xây dựng bộ phận hiện trường tại Sa Pa, Lào Cai, nghĩ ngay đến việc đi đổ đầy bình xăng.
Mỗi tuần, Hoàng đổ một lần vì khu trung tâm Sa Pa chỉ có một cây xăng. Trước kia, anh tốn 70.000-80.000 đồng đầy bình thì giờ phải chi 100.000-110.000 đồng.
Khi giá xăng tăng cao, số tiền công ty hỗ trợ xăng xe hàng tháng chưa đủ để Tuấn Hoàng đổ 2 lần.
Hoàng đi lại ở mức độ trung bình. Thường ngày, anh đi từ nhà trọ đến công trường ở ga cáp treo khoảng 3 km. Do làm ở vài điểm, anh cũng phải đi lại nhiều để mua đồ.
“Tôi được công ty hỗ trợ tiền xăng xe và điện thoại 200.000 đồng/tháng. Nhưng giờ giá xăng lên cao thì chẳng thấm vào đâu. Hôm trước, tôi đổ bình xăng 110.000 đồng mà đi 3-4 ngày đã hết mà xót cả ruột. Coi như tốn kém gấp rưỡi so với thời điểm trước Tết. Phía công ty chưa tăng hỗ trợ hay có chế độ gì trước tình hình này. Mấy anh em cũng đang tính đề xuất cấp trên tăng khoản này để phù hợp với điều kiện hiện tại”, anh nói.
Vì đặc thù công việc, Hoàng đi làm liên tục, gần như không có ngày nghỉ. Khoảng 2-3 tháng, anh mới xin nghỉ một đợt để về thăm nhà ở Yên Bái. Với quãng đường khoảng 150 km, chàng trai cho biết đi một chiều tốn cả trăm nghìn tiền xăng.
“Hiện tại, tôi không thể hạn chế đi lại vì công việc buộc phải chạy chỗ này, chỗ kia lo liệu. Mọi người xung quanh cũng than xăng đắt quá. Nhiều người còn bảo nhà cách chợ 1 km thì cố đi bộ vừa khỏe, vừa đỡ tốn tiền xăng”.
Tính toán chi ly hơn
Tương tự Tuấn Hoàng, Nguyễn Thị Vân Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhân viên văn phòng, đi làm từ Đại Mỗ đến Núi Trúc hơn 12 km. Bình thường, chị đổ 100.000 đồng là đầy bình xăng và đi được khoảng một tuần.
Hôm trước, chị Vân Anh bất ngờ khi số tiền đó không đủ mua lượng xăng như mọi khi. Hỏi nhân viên, chị mới biết giá xăng tăng. Chia sẻ cùng đồng nghiệp, mọi người cũng gặp cảnh tương tự và đùa nhau giờ đi đổ xăng không dám hô “cho đầy bình”.
Theo chị Vân Anh, không chỉ xăng mà giá lương thực, thuốc men cũng tăng cao. Chị lấy ví dụ trước đây, chị mua 5.000-10.000 đồng tiền rau là đủ cả nhà 3 người ăn. Hiện tại, người mẹ phải chi trung bình 15.000-20.000 đồng mới đủ. Ngay cả các gia vị như gừng, sả, tỏi cũng cao lên.
Đợt này dịch bệnh phức tạp, chồng và con cũng vừa khỏi Covid-19, chị Vân Anh tích cực mua hoa quả để tẩm bổ cả nhà dù chi phí đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, làm văn phòng, chị thường xuyên sử dụng các dịch vụ giao hàng. Giá cả tăng kéo theo phí ship cũng tăng lên.
Trong bối cảnh giá xăng, lương thực và thuốc men đều tăng, chị Vân Anh phải tính toán chi ly hơn để đảm bảo sinh hoạt gia đình. |
“Với thu nhập cố định hàng tháng, tôi phải tính toán chi ly hơn để đảm bảo sinh hoạt gia đình. Trừ điện nước, tiền chợ tốn khoảng 5-10 triệu đồng/tháng. Giá cả tăng nên đi chợ phải đắn đo hơn nhiều. Mua mớ rau cũng cân nhắc loại nào giá hợp lý mà vẫn đảm bảo cung cấp vitamin cần thiết. Tôi thấy lương nhanh hết hơn hẳn và gần như không có tích lũy trong thời điểm dịch bệnh, giá cả tăng cao như hiện nay”, chị nói.
Nếu giá xăng tiếp tục tăng, chị Vân Anh tính đến phương án đi tàu cao tốc dù không thuận tiện bằng xe máy.
“Dịch bệnh đã khó khăn hơn vì tốn nhiều tiền thuốc men, phòng tránh rồi mà giờ cái gì cũng tăng theo. Cuối cùng, chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt”, chị nói.
Sau Tết, người dân cả nước liên tiếp chứng kiến giá xăng dầu không ngừng lập “đỉnh mới”. Sau lần điều chỉnh gần nhất vào 15h ngày 1/3, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.077 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.834 đồng/lít. Tính từ cuối tháng 12/2021, giá xăng đã tăng khoảng 15,6%.
Ngày 11/3, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Các doanh nghiệp dự kiến giá xăng dầu có thể tăng hơn 3.000 đồng/lít. So với đầu năm, mức tăng có thể tới 5.000-8.000 đồng/lít.
Thị trường xăng dầu tăng giá chóng mặt ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ.
Các ứng dụng gọi xe buộc phải điều chỉnh giá cước để tài xế có thêm thu nhập và động lực ra đường làm việc. Cụ thể, Grab thông báo sẽ điều chỉnh giá cước dịch vụ bắt đầu từ ngày 10/3 để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Điển hình là giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Mức tăng là khoảng 5% so với lần điều chỉnh giá cước gần nhất.
Theo Zing