Chuyển kênh bán từ truyền thống sang hiện đại
Trong trạng thái bình thường không có Covid-19, các sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở kênh truyền thống như chợ truyền thống, các đại lý và kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng đã bắt đầu tạo được thói quen mua hàng trên kênh kỹ thuật số dẫn đến sự bùng nổ của các ứng dụng bán hàng trực tuyến.
Nhiều lao động sau khi chuyển hướng sang các công việc làm online cho rằng, mô hình làm việc này giúp chủ động trong việc sắp xếp thời gian, phù hợp với khả năng của mỗi người. Tính chất công việc cũng linh hoạt, không gò bó thời gian. Thậm chí không bị ràng buộc nhiều bởi các nguyên tắc, quy định khắt khe như làm ở công ty.
Kinh doanh online đã nhanh chóng trở thành công việc được rất nhiều người lựa chọn để kiếm tiền. Với sự phát triển của các trang mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng bán hàng trực tuyến giúp người bán có một nguồn khách hàng vô cùng lớn. Nhất là trong thời gian giãn cách, người dân không được ra đường nên các giao dịch mua bán trực tuyến tăng lên đáng kể.
Chuyên gia kinh tế và phát triển thị thường Công ty VBS Nguyễn Thu Hồng nhận định: “Công việc kinh doanh online không đòi hỏi quá nhiều kiến thức hay kinh nghiệm. Chỉ cần có đam mê và khả năng về giao tiếp, bạn sẽ có thể chốt hàng chục đơn hàng kiếm về chục triệu đồng/tháng. Đây là một trong số ít các công việc mà bạn được chủ động thời gian và cách thức làm việc, tự mình làm chủ công việc của mình”.
Nhiều khách hàng cũng cho biết họ tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ trên online trước khi mua offline. Người tiêu dùng mới chuyển đổi liên tục giữa kênh online và offline, nhằm bảo đảm sản phẩm mình chọn mua sẽ là lựa chọn tốt nhất cả về chất lượng và chi phí.
Năm 2020 và 2021, hàng loạt thương hiệu đã đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến hoặc ra mắt gian hàng chính hãng trên trang thương mại điện tử. Cửa hàng trực tuyến không chỉ hỗ trợ doanh số, mà còn cung cấp thêm một kênh xem trước thông tin và giá dành cho khách hàng, trước khi đến các cửa hàng vật lý để thử sản phẩm.
Theo khảo sát, người tiêu dùng đang chú trọng đến tính an toàn, chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm hơn là các chương trình giảm giá, khuyến mãi. Riêng ở Việt Nam, do tính chất dân số trẻ, 60% dân số dưới 40 tuổi, trải nghiệm càng là điều được khao khát thay vì những yếu tố về giá cả, khuyến mãi.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, các kênh bán lẻ phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được uy tín và lòng tin đối với khách hàng. Với hình thức mua bán nhanh gọn, tiện dụng, khách hàng đã chuyển sang mua trực tuyến khá lớn.
“Chưa kể đến, chi phí mở cửa hàng mới tại Việt Nam luôn được đánh giá là rất cao so với khả năng của doanh nghiệp cũng như các khu vực khác.
Chi phí ban đầu của việc mở cửa hàng bao gồm: Chi phí thuê địa điểm, chi phí mua sắm, trang bị nội thất, chi phí quảng cáo, chi phí thuê nhân công, chi phí vận chuyển… sẽ “ngốn” một khoản tiền rất lớn trong số ngân sách chi ra cho một cửa hàng mỗi tháng.
Đây là những khoản ngân sách cần thiết đối với một cửa hàng bán lẻ và rất khó để cắt giảm được các khoản chi phí này vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh của cửa hàng”, bà Thu Hồng nhận định.
Doanh nghiệp thay đổi cách thức vận hành
Đại dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán lẻ, các chính sách giãn cách xã hội đã làm thay đổi phương thức tiếp cận, bán hàng và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành. Câu hỏi đặt ra cho các nhà bán lẻ trước sự cạnh tranh khốc liệt là cần làm gì để chiếm lĩnh thị trường, nhất là khi có sự xuất hiện của dịch bệnh.
Do người tiêu dùng chuyển sang hành vi tiêu dùng mới trên kênh hiện đại và kênh kỹ thuật số nên các doanh nghiệp phải tìm các giải pháp đảm bảo hàng hoá được chuyển tới tay người tiêu dùng một cách nhanh và an toàn nhất.
Chính vì vậy, doanh nghiệp đã đẩy mạnh liên kết trong mảng thương mại điện tử để giải quyết được các vấn đề kênh bán đồng thời vận chuyển hàng hoá. Có thể thấy, các ứng dụng giao hàng, giao đồ ăn ngày càng phổ biến.
Để thu hút các ứng viên tiềm năng, nhiều doanh nghiệp thường xuyên tổ chức sự kiện để thu hút ứng viên thông qua các hội thảo trực tuyến. Cùng với đó là các chương trình Quản trị viên tập sự trên các kênh mạng xã hội bởi đội ngũ bán hàng thay đổi công việc nhiều nhất trong thời gian có dịch bệnh.
Một số chuyên gia cho rằng, trong thời kỳ bình thường mới, việc không ngừng xác định lại nhu cầu của khách hàng đồng thời nâng cao yếu tố tiện lợi, trải nghiệm mua sắm sẽ là chìa khóa thành công của các nhà bán lẻ. Để cụ thể hóa mục tiêu này, doanh nghiệp bán lẻ cần xây dựng những chiến lược hành động và nâng cao khả năng thích ứng trước bối cảnh mới.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần cắt giảm chi phí hoạt động của cửa hàng, siêu thị, phát triển các mô hình bán lẻ mới.
Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục; thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Song song với các giải pháp từ các doanh nghiệp bán lẻ, cần có các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước như bổ sung chính sách hỗ trợ và quản lý thị trường kinh doanh trực tuyến. Hỗ trợ kích cầu người tiêu dùng, bổ sung hỗ trợ thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế.
Đồng thời hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh chương trình đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại.
Tuy vậy, trong trung và dài hạn, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt, bởi sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn.
Theo GDTĐ