Tăng tích trữ nguyên vật liệu để đảm bảo tính an toàn cho sản xuất
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, HĐQT Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu thuần 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng; lần lượt tăng 5% và giảm 1,3% so với thực hiện 2021.
Lợi nhuận 2022 dự kiến giảm do phát sinh chi phí đầu tư, chi phí SG&A tăng, tăng tích trữ nguyên liệu. |
Tại buổi gặp gỡ giới phân tích sáng ngày 4/3, bà Lê Thị Hồng Nhung, Giám đốc Tài chính lý giải đây là mức doanh thu phù hợp với tăng trưởng ngành dược cũng như đảm bảo vị thế của Dược Hậu Giang trong ngành. Lợi nhuận giảm là do năm nay đơn vị đầu tư nhiều cho dự án công nghệ thông tin trong bán hàng, sản phẩm mới hợp tác với Taisho (cổ đông lớn), dự án nâng cấp dây chuyền… nhưng việc hiện thực hóa doanh thu chỉ từ năm 2024 – 2025 trở đi. Thêm vào đó, các chi phí tư vấn và kiểm định nhà máy GMP cũng ghi nhận 1 lần trong 2022-2023. Đồng thời, chi phí SG&A (tổng chi phí bán hàng và quản lý) năm 2021 giảm nhiều do dịch bệnh nên hạn chế đi công tác và tổ chức họp, nhưng năm nay sẽ triển khai lại làm phát sinh những chi phí đó.
Mặt khác, công ty cũng chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sản xuất khiến chi phí tăng lên. Các năm trước, đơn vị có thể ký hợp đồng mua nguyên vật liệu nguyên năm nhưng chỉ khi nào cần mới nhập về và trả tiền. Năm nay, công ty mua và nhập về nhiều hơn để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất.
“Thay vì nhập nguyên liệu đủ dùng trong 1 quý thì năm nay nhập luôn cho 2, 3 quý. Hiện nay, doanh nghiệp đã nhập đủ một số nguyên, vật liệu dùng đến tháng 6 hoặc 9, đến quý II sẽ nhập cho nguyên năm để đảm bảo tính an toàn”, bà Nhung nói.
Điều này xuất phát từ yếu tố dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn tăng giá, có thể tăng đến 25% khiến giá thành tăng lên. Lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết có một số nguyên vật liệu tăng trong năm 2021 mà chưa tác động thì qua năm 2022 sẽ tác động. Vì vậy, để giữ được biên lợi nhuận tốt thì doanh nghiệp phải có bước chuẩn bị.
Tại thời điểm cuối năm trước, hàng tồn kho ghi nhận 1.072 tỷ đồng, tăng thêm hơn 200 tỷ so với đầu năm. Trong đó, riêng tồn kho nguyên vật liệu là 641 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm.
Đối với dự án sản xuất thuốc điều trị Covid-19, bà Nhung cho biết Dược Hậu Giang có triển khai và đã đăng ký ở Cục Quản lý Dược, song vẫn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Lãnh đạo doanh nghiệp không có nhiều kỳ vọng vào dự án này do việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 thiên về hướng phục vụ xã hội và không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Hơn nữa, tương lai, thuốc trị Covid-19 cũng như loại thuốc thông thường khác.
“Nhìn chung, dự án mang tính chất cộng thêm vào kết quả kinh doanh chứ không phải yếu tố chính tác động đến tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận”, lãnh đạo Dược Hậu Giang chia sẻ.
Lợi nhuận 2021 đạt kỷ lục, chia cổ tức tỷ lệ 35%
Nhìn lại 2 năm qua, báo cáo của Dược Hậu Giang cho biết dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, dược phẩm trong việc đảm bảo an ninh toàn cầu. Trong khoảng thời gian đại dịch diễn ra, ngành dược phải đối mặt với những thách thức nhất định, bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng, thói quen và nhu cầu về thuốc thay đổi và các quy định. Tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và các đối tác nước ngoài tiếp tục bị trì hoãn bởi việc hạn chế di chuyển, cản trở tiến độ đánh giá nhà máy đạt tiêu chuẩn cao và xét duyệt quá trình chuyển giao công nghệ.
Trong giai đoạn dịch bệnh, người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm dược phẩm tại kênh hiện đại do sự tiện lợi, an toàn và nhanh chóng, kênh này có tiềm năng tăng trưởng lớn trong giai đoạn tới. Do vậy, Dược Hậu Giang đã đưa sản phẩm vào hơn 1.480 cửa hàng thuốc của 5 chuỗi nhà thuốc lớn như Trung Sơn, Pharmacity, An Khang, Long Châu, Matsumoto Kiyoshi trên toàn quốc.
Dù có những khó khăn, công ty vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đều giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt, năm trước, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 4.003 tỷ đồng, tăng 6,6% và cơ bản hoàn thành kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 864 tỷ đồng, tăng 5,2% và vượt 5,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 776 tỷ đồng tăng 5,1%.
Năm 2022 là kế hoạch. Đơn vị: tỷ đồng |
Dược Hậu Giang cho biết đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 47 năm hoạt động nhờ vào đảm bảo nguồn nguyên vật liệu dự trữ, ổn định chuỗi cung ứng, vận chuyển và hoạt động sản xuất với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin, giúp mọi hoạt động vận hành trơn mượt giữa đại dịch và chi phí được sử dụng tối ưu.
Với kết quả này, HĐQT trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 35%, tăng so với mức kế hoạch là 30%, tương ứng với số tiền 457,6 tỷ đồng. Trong 2 năm 2019-2020, công ty dược phẩm đều chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 40%.
Theo NDH