Khoảng trống lịch sử văn hóa
Nhà sưu tập Natalia Kraevskaia, cũng là vợ của họa sĩ Vũ Dân Tân, là người quen thuộc với các nghệ sĩ mỹ thuật từ hàng chục năm nay. Bà cũng là người đau đáu với việc dữ liệu nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện chưa có kho lưu trữ lớn. “Salon Natasha hiện có 8.300 hồ sơ nghệ thuật đương đại, có giới thiệu trực tuyến 4.992 hồ sơ. Bộ sưu tập này của tôi được lập từ 1990, hoàn toàn không có tài trợ. Cơ sở lưu trữ có nhiều hình ảnh, hồ sơ nghệ sĩ, tuyên ngôn nghệ thuật phỏng vấn video… Nhưng nó chưa đáng bao nhiêu cả”, bà Natalia chia sẻ trong hội thảo quốc tế Việt Nam học tổ chức tại Hà Nội hồi cuối năm 2021.
Mỹ thuật trước và sau Đổi mới có nhiều tác phẩm đáng chú ý. CHỤP MÀN HÌNH
Điều này cũng không khác mấy với chia sẻ của nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật Việt Nam). Ông Thông cho biết bản thân phải xây dựng tư liệu liên tục trong nhiều năm. Ông đều đặn tham dự các sự kiện nghệ thuật đương đại, chụp ảnh, ghi chép. Sau cùng, những tư liệu đó được ông nộp về Viện Mỹ thuật nơi mình công tác. “Kể cả những lứa đi trước như là anh Phạm Trung, chị Bùi Như Hương đều như vậy. Các tư liệu đều ở định dạng số cả. Về cơ bản, tôi cũng phân loại tài liệu. Chẳng hạn, tôi nộp chuyên về sắp đặt hay nghệ thuật trình diễn. Chúng tôi cũng có tư liệu từ TP.HCM, Huế từ các chuyến công tác hoặc xin nghệ sĩ”, ông Thông nói. Mặc dù vậy, ông Thông cho biết những công việc này không có thù lao, dựa vào nỗ lực cá nhân là chủ yếu chứ không ai bắt làm.
Bà Natalia đánh giá do lưu trữ, số hóa hạn chế, nhiều tài liệu nghệ thuật, tác phẩm đã bị hư hại theo thời gian. Điều kiện kinh tế Việt Nam trước và sau Đổi mới, thu nhập thấp, tiếp cận công nghệ hạn chế nên không có tài liệu hóa nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn bản giấy tờ mang tính văn hóa lịch sử. “Chúng ta nên thấy tầm quan trọng của số hóa tài liệu lịch sử và tác phẩm nghệ thuật. Có thể nhắc đến nhiều sự kiện hoạt động đương đại của Việt Nam từ 1990, có thể thấy nhiều vấn đề văn hóa lịch sử. Nghệ thuật của Việt Nam có một nhu cầu cấp bách được sưu tập, lưu trữ bằng công nghệ số”, bà Natalia nói.
Cũng theo bà Natalia, đã có những lưu trữ công nghệ số về nghệ thuật VN thời đại Đổi mới. Chẳng hạn, các lưu trữ tại thư viện số Đông Nam Á tại ĐH Bắc Ilinois Mỹ. Cũng có một số cơ sở dữ liệu của salon Natasha hay Blue Space Art Center – một không gian văn hóa độc lập tại TP.HCM của bà Trần Thị Huỳnh Nga, vợ góa của họa sĩ Trần Trung Tín.
Tác phẩm vẽ tiền của họa sĩ Vũ Dân Tân
Đổi mới cách nhìn trước
Bà Natalia chia sẻ: “Liên quan đến nghệ thuật đương đại Việt Nam thực sự có một sự cấp bách trong lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ các tác phẩm trước và sau Đổi mới. Việc lưu trữ nghệ thuật Đổi mới bằng kỹ thuật số tương đối ít, nên có nhu cầu lập trung tâm lưu trữ”. Cũng theo bà Natalia, việc lưu trữ hồ sơ cần được thực hiện với nhiều định dạng khác nhau như hình ảnh, các file kỹ thuật số, analog, sao cho hồ sơ lưu trữ đảm bảo tính gốc, tính đáng tin cậy. Điều đó sẽ tạo thành những hồ sơ là bằng chứng lịch sử, ghi dấu cho thế hệ tương lai. Nhìn sang các nước châu Á, bà Natalia cho biết dù còn ít cũng đã có những lưu trữ. Trong đó, có lưu trữ nghệ thuật ở Fukuoka Nhật Bản, phòng bảo tàng M+ ở Hồng Kông…
Bà Natalia cho rằng thời gian tới chúng ta cũng sẽ có nhiều sáng kiến lưu trữ kỹ thuật số. Việc lưu trữ này nên được làm theo hướng không chỉ giới thiệu các sưu tập mà còn phân cấp, làm thành các hồ sơ giới thiệu về bối cảnh…
Tác phẩm của họa sĩ Trương Tân mang thông điệp về giới
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban VH-GD của Quốc hội, cho rằng chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò và vị trí của nghệ thuật đương đại, trong khi đó chính là bộ mặt của nghệ thuật đất nước trong giai đoạn hiện nay. “Chúng ta thiếu bảo tàng nghệ thuật đương đại. Chúng ta vẫn có tư duy coi những gì quý giá là thuộc về quá khứ kết tinh thành. Điều đó cũng đúng nhưng không hẳn là như thế. Vì nghệ thuật ngay trong thời đại của chúng ta cũng có nhiều giá trị. Nó thể hiện những nét cắt đương đại. Chính vì thế, với nhiều quốc gia trên thế giới, nghệ thuật đương đại chính là bộ mặt nghệ thuật của quốc gia đó chứ không chỉ là câu chuyện nghệ thuật truyền thống hay di sản văn hóa”, ông Sơn phân tích.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần có tư duy mới về việc bảo vệ và khai thác, sử dụng nghệ thuật đương đại. “Đặc biệt, khi chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa thì chính nghệ thuật đương đại là một mỏ vàng. Chúng ta khai thác truyền thống kết hợp với những giá trị của thời đại để tạo sản phẩm mới. Những bài học từ Hàn Quốc hay Nhật Bản, Trung Quốc, ngay cả Thái Lan cũng như thế. Nơi nào khai thác tốt nghệ thuật đương đại thì công nghiệp văn hóa phát triển”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, cần chủ động số hóa rồi cần phải lưu trữ hình thành bảo tàng nghệ thuật đương đại, kho lưu trữ dữ liệu nghệ thuật đương đại. “Nhiều khi đó là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp. Nếu không có tư duy quản lý mới thì tác phẩm đó sẽ không thuộc về quản lý của bất cứ một đơn vị nào. Ví dụ các video art, Cục Điện ảnh thì nghĩ là nó thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn, còn Cục Nghệ thuật biểu diễn thì lại nói là nó thuộc về bên điện ảnh. Chính vì thế, chúng ta cần cách tiếp cận mới, tư duy mới về khai thác, bảo vệ nghệ thuật đương đại”, ông Sơn nói.
Theo Trinh Nguyễn/TNO