Chất lượng tài sản của một số ngân hàng đã chuyển biến bất ngờ chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, cùng với đó các nhà băng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên hơn 400%.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại và tỷ lệ nợ xấu là tâm điểm gây chú ý trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài thời gian qua. Theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh về chất lượng tín dụng, có những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu gia tăng mạnh, song cũng có nhà băng ghi nhận nợ xấu giảm một nửa.
Theo thống kê của VnBusiness, vào thời điểm cuối tháng 9/2021 tại gần 30 ngân hàng thương mại niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, quy mô nợ xấu tăng tới 26% so với đầu năm, vượt 111.000 tỷ đồng. Trong đó, quy mô nợ xấu của 3 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh gồm VietinBank, Vietcombank và BIDV tính đến hết tháng 9 trên 50.400 tỷ đồng, chiếm 44,6% tổng nợ xấu của các ngân hàng được thống kê.
Tuy nhiên, chỉ riêng 3 tháng cuối năm, nợ xấu tại 3 ngân hàng này đã có sự thay đổi “ngoạn mục”. Theo đó, tại thời điểm cuối quý IV/2021, dư nợ xấu của 3 “ông lớn” quốc doanh trên là khoảng 31.700 tỷ đồng, giảm hơn 18.700 tỷ đồng so với cuối quý III và giảm khoảng 4.400 tỷ đồng so với 2020. Cùng với đó, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng này cao kỷ lục.
Cụ thể, với dư nợ tín dụng cùng thời điểm ở mức 963.670 tỷ đồng, uớc tính quy mô nợ xấu Vietcombank đến cuối năm 2021 ở khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức gần 10.900 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2021. Trong đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ dưới chuẩn) của ngân hàng chỉ ở mức 0,34%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Vietcombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 – sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Theo đó, quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng của Vietcombank đạt khoảng 25.700 tỷ đồng, tương đương mức 424%.
Tương tự, tại BIDV ước tính tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng là hơn 10.700 tỷ đồng, giảm “sốc” so với mức hơn 21.400 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2021. Tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020.
Không chỉ vậy, ngân hàng này cũng tăng cường trích lập dự phòng trong năm vừa qua, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay lên 235%, tương đương với quy mô của quỹ dự phòng này vào khoảng 25.400 tỷ đồng.
Cũng giống như Vietcombank và BIDV, tại VietinBank chất lượng tài sản có chuyển biến tích cực khi tính đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank được kiểm soát ở mức 1,3%, dư nợ xấu của ngân hàng này ước khoảng 14.800 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đã tăng lên mức 171%, tức VietinBank đã chi ra 1,7 đồng để dự phòng cho mỗi đồng nợ xấu, quy mô dự phòng ước khoảng 25.308 tỷ đồng.
Hiện nay chỉ vài ngân hàng công bố kết quả kinh doanh, trong đó cùng với lợi nhuận thì tỷ lệ nợ xấu được nhận định là khá bất ngờ, bởi trước đó hầu hết các chuyên gia kinh tế và ngành ngân hàng cũng đưa ra nhận định tỷ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài thời gian qua.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào 3 “ông lớn” để đánh giá chung ngành ngân hàng thì chưa thực sự chính xác. Theo các chuyên gia, những con số kể trên vẫn chưa phản ảnh hết được nợ xấu thực tế của nền kinh tế do các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng trong thời gian qua.
Hơn nữa, hiện nay mới chỉ có 4 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm qua. “Chắc chắn nợ xấu tại nhiều ngân hàng sẽ tăng mạnh, quan trọng là các ngân hàng này trích lập dự phòng rủi ro ra sao để bao phủ nợ xấu, tăng sự an toàn về tài chính cho mình”, một chuyên gia nhận định.
Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, đến cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%. Con số này đã tăng khá mạnh so với mức 1,69% vào cuối năm trước. Nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống sẽ khoảng 7,31% (trong khi cuối năm 2020 là 5,08%).
Như vậy, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và đưa tổng nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ mà ngành ngân hàng đặt ra đã không thể thực hiện khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, áp lực nợ xấu còn được dự báo sẽ được thể hiện rõ hơn trong năm tới, khi lượng nợ được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm theo Thông tư 14, sửa đổi Thông tư 01 dần đáo hạn.
Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, hệ thống ngân hàng đang có sự phân hóa mạnh về chất lượng tín dụng. Rủi ro đối với các ngân hàng yếu kém, có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng. Trong khi những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và trích lập đầy đủ các khoản vay tái cơ cấu (Vietcombank, ACB, MB, VietinBank, Techcombank) sẽ có triển vọng tích cực.
SSI cho rằng, kỳ vọng các ngân hàng tốt sẽ có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu. Bộ đệm tín dụng tốt sẽ giúp ngân hàng tránh được những những cú sốc đột ngột trong bảng cân đối kế toán.
Theo TapchiTaichinh