Điều này đã tác động to lớn đến lĩnh vực giáo dục, tạo nên một số xu hướng dạy và học mới mẻ.
Cũng vì vậy nhu cầu đặt ra hiện nay cho các thầy cô giáo trên thế giới là bám sát những thay đổi, nắm rõ các yếu tố đang tác động đến cấu trúc lớp học để chuyển mình cùng sự nghiệp giáo dục. Nắm bắt 5 xu hướng được các chuyên gia giáo dục dự đoán bùng nổ vào năm 2022 giúp thầy cô tạo dựng môi trường học tập hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ trong dạy học
Trong hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của công nghệ không làm ngành Giáo dục bị tụt hậu. Ngược lại, máy tính và Internet đã thay đổi cách thức học sinh tiếp cận thông tin và tham gia vào lớp học. Vào mùa thu năm 2017, ước tính hơn 6,5 triệu sinh viên đăng ký theo học các chương trình giáo dục đại học từ xa.
Sự phát triển của công nghệ đồng nghĩa với việc hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền thông và công cụ hỗ trợ học tập nhằm giúp học sinh tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao thông qua Internet. Đặc biệt, sau 2 năm dịch Covid-19, lớp học trực tuyến đã trở thành một phần khó có thể tách rời trong trường học, thúc đẩy học sinh, giáo viên ứng dụng công nghệ nhiều hơn nữa.
Hiện nay, các nền tảng học trực tuyến cho phép giáo viên ghi và lưu trữ bài giảng trên Internet. Từ đó, học sinh có thể xem lại bài đã học vào bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
Bản chất của giáo dục trực tuyến đồng thời là gợi mở cho học sinh các phong cách học tập khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, năng lực và sở thích. Ví dụ, học sinh học lực trung bình, khá có thể thường xuyên xem lại bài giảng đã được lưu trữ. Trong khi học sinh học lực giỏi có thể chủ động trau dồi bài tập nâng cao nhưng không làm gián đoạn thời gian học của cả lớp.
Trong khi đó, thầy cô có các “cánh tay nối dài” là hệ thống quản lý học tập. Giáo viên có thể thuận tiện theo dõi, quản lý tiến trình học tập của học sinh trong suốt khóa học nhờ các hệ thống, công cụ bổ trợ. Nhờ đó, giáo viên sẽ kịp thời bồi dưỡng, trang bị kiến thức hổng cho học sinh.
Tuy nhiên, xu hướng này vừa mang lại lợi ích nhưng cũng tồn đọng một số hạn chế cho các thầy cô, cơ sở giáo dục trong dạy và học. Đơn cử, công nghệ giúp học sinh học mọi lúc, mọi nơi nhưng không thể giúp các em trau dồi các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm hay lãnh đạo. Trong khi, với mô hình học truyền thống, tập trung, học sinh được rèn luyện các kỹ năng này thường xuyên và liên tục.
Vai trò của kỹ năng mềm
Theo nghiên cứu của Tổ chức Giáo dục Future of Jobs, công việc hiện nay đòi hỏi một số kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý con người và sáng tạo. Khi tuyển chọn nhân viên, các nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở ứng viên khả năng đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn và tố chất lãnh đạo.
Do đó, trong quá trình chuẩn bị cho học sinh, sinh viên trước nghề nghiệp tương lai, các trường cần thiết xây dựng chương trình giúp học sinh, sinh viên nuôi dưỡng và phát triển kỹ năng mềm. Giáo dục kỹ năng mềm có thể sẽ trở thành lợi thế cho các cơ sở giáo dục trung học, giáo dục đại học.
Đơn cử, bên cạnh cạnh tranh về chất lượng, các trường đại học có thể giành được thứ hạng cao nếu giúp sinh viên hình thành nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Từ đó, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn. Tỷ lệ và chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục cũng được cải thiện để thu hút sự chú ý của các thế hệ sinh viên tiếp theo.
Việc học trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19 đã trở thành thách thức đối với giáo viên, nhà trường trong việc trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Bước sang năm 2022, khi học từ xa đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, các nhà giáo dục sẽ phải tìm cách cân bằng giữa việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số trong lớp học với khuyến khích học sinh làm việc nhóm để nuôi dưỡng, phát triển kỹ năng mềm.
Khái niệm kỹ năng mềm hiện cũng dùng để chỉ khả năng sử dụng thiết bị công nghệ và Internet. Do đó, trau dồi cho học sinh, sinh viên thành thạo kỹ thuật số cũng là yêu cầu đặt ra trong năm 2022.
Tại Singapore, Bộ Giáo dục đã chính thức triển khai mô hình học trực tuyến kết hợp trực tiếp từ năm sau. Học sinh phổ thông sẽ học trực tuyến tại nhà 1,2 ngày mỗi tháng. Qua mô hình trên, học sinh trau dồi các kỹ năng mềm nhờ được làm việc nhóm cùng bạn bè trong lớp; đồng thời, được củng cố kỹ năng công nghệ, nhu cầu thiết yếu trong thời đại hiện nay.
Đổi mới bài giảng
Khi công nghệ càng phát triển và thâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, khả năng tập trung, chú ý của học sinh cũng thay đổi. Một nghiên cứu do Tập đoàn Microsoft thực hiện trong giai đoạn 2000 – 2015 chỉ ra khả năng chú ý của con người đã giảm 4 giây. Sự sụt giảm này phần lớn do ảnh hưởng của công nghệ vì nó kích thích não bộ của con người hoạt động liên tục, thu nạp thông tin liên tục nhưng giảm khả năng tập trung.
Mức độ tập trung hiện nay cũng được coi là một phương pháp phân biệt giữa các thế hệ với nhau. Ví dụ, thế hệ Milennials (còn gọi là thế hệ Z, chỉ những người sinh ra từ năm 1995 đến năm 2012) lớn lên trong thời đại công nghệ có khả năng tập trung thấp hơn các thế hệ trước như 9X, 8X… Nhưng những nội dung đặc sắc lại khiến thế hệ Z tập trung cao hơn so với các thế hệ khác. Ngược lại, những nội dung nhàm chán sẽ không thể lọt vào tâm trí họ.
Mô hình này cũng có ảnh hưởng to lớn đến giáo dục. Bài giảng hấp dẫn có thể khiến học sinh tập trung cao độ, song bài giảng nhàm chán lại khiến học sinh lơ đãng. Tuy nhiên, khái niệm bài giảng thú vị hiện nay cũng có nhiều điểm khác biệt, mang các yếu tố công nghệ nhiều hơn trước đây như cần lồng ghép hình ảnh, video, tư liệu đa phương tiện…
Giáo viên phải điều chỉnh bài giảng có nội dung thú vị, sinh động, hấp dẫn hơn để thu hút sự chú ý của học sinh. Khi thiết kế giáo án, bài giảng, giáo viên cần liên tục cập nhật hình ảnh, video hay các tư liệu đa phương tiện khác. Tài liệu càng có tính trực quan cao càng thu hút sự chú ý của học sinh.
Tuy nhiên, bài giảng không nên phụ thuộc quá nhiều vào tư liệu sẵn có, làm giảm khả năng tương tác, kết nối giữa học sinh và giáo viên. Dù công nghệ có hiện đại đến đâu, thầy cô vẫn cần tích cực tương tác với học sinh, đồng thời khuyến khích các em làm việc nhóm, làm việc cá nhân để phát triển lớp học.
Vai trò của giáo viên
Khi công nghệ phát triển, nó cũng thay đổi cách giáo viên kết nối với học sinh và lớp học. Với khả năng tiếp cận thông tin dồi dào, phong phú như hiện nay, học sinh sở hữu những công cụ đơn giản, nhanh chóng để tìm hiểu kiến thức mới thay vì đợi giáo viên cung cấp. Điều này giúp cơ hội học tập của học sinh trở nên độc lập, chủ quan hơn.
Trong điều kiện này, học sinh không còn phụ thuộc vào giáo viên như trước đây. Thay vào đó, giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động tự học, tự trải nghiệm với vai trò hỗ trợ cho học sinh trong quá trình tiếp cận tri thức. Nhiệm vụ của giáo viên hiện nay là giúp học sinh hiểu cách học, khơi gợi niềm yêu thích học tập cũng như cách khám phá và thu nạp thông tin có sẵn.
Ví dụ, hiện nay, học sinh có thể chủ động tra cứu kiến thức trên Internet nhưng không phải nguồn thông tin nào cũng chính xác. Do đó, giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm thông tin chính xác, chất lượng như tìm kiếm ở những trang web uy tín, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn tìm kiếm hay hình thành tư duy phản biện trước thông tin.
Sau khi học sinh trình bày kết quả của mình, giáo viên là người tổng kết, đúc rút những thông tin giá trị, cô đọng và hướng dẫn các em cách ghi nhớ kiến thức thay vì học thuộc. Bởi lẽ, khi đứng trước việc tìm kiếm thông tin dễ dàng, học sinh có xu hướng chủ quan, lười nghiên cứu và ghi nhớ.
Như vậy, việc giảng dạy cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho giáo viên. Chẳng hạn, thầy cô phải có kỹ năng công nghệ để hiểu cách thức tìm kiếm và phân biệt thông tin trên mạng Internet. Giáo viên phải học cách xây dựng các cuộc thảo luận giữa học sinh trong lớp và tạo môi trường thúc đẩy tác phong làm việc nhóm.
Những giáo viên thành công là người có thể giúp học sinh làm chủ việc học của mình. Ở vị trí mới, những giáo viên muốn thúc đẩy sự phát triển của học sinh sẽ nhận thấy mô hình này là bổ ích, giá trị hơn khi so với phương pháp cung cấp kiến thức thụ động.
Học tập suốt đời
Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều thay đổi bản chất của công việc và nghề nghiệp theo những cách đáng kinh ngạc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã tác động đến 50% việc làm trên toàn thế giới do tiến bộ công nghệ vượt bậc dẫn đến những thay đổi trong quá trình làm việc. Nhiều việc làm hiện nay không cần đến con người, có thể thay thế hoàn toàn bằng robot.
Do vậy, nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh trong môi trường việc làm trong tương lai, mỗi cá nhân cần phải liên tục đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng. Những năm tháng giáo dục đầu đời là chưa đủ để các cá nhân trụ vững trong thị trường lao động hiện nay. Thay vào đó, sau khi nhận được bằng cấp, mỗi người vẫn cần học tập liên tục.
Thực tế trên đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải xây dựng tư duy phát triển liên tục trong học sinh, sinh viên cũng như đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường. Nhà trường thúc đẩy việc dạy kỹ năng tự học để học sinh có thể tự học ngay cả khi đã rời ghế nhà trường.
Theo GDTĐ