Sở Công Thương TP HCM đang tập hợp các điểm bán bình ổn thị trường và sẽ công bố rộng rãi để người dân yên tâm mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá tốt…
Chiều 29-12, đoàn khảo sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP HCM làm việc với Sở Công Thương TP HCM và một số sở – ngành TP HCM về tình hình chuẩn bị nguồn hàng Tết. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố, cho biết việc khảo sát nhằm phục vụ chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tháng 1-2022 với chủ đề “Tết Nhâm Dần 2022 – An toàn, tiết kiệm, nghĩa tình”.
Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM cam kết bảo đảm cung ứng và giữ giá hàng Tết. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Emart Gò Vấp
Báo cáo với đoàn làm việc, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa không chỉ ở TP HCM mà còn các tỉnh lân cận vốn là nơi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa cho thành phố. Hệ thống phân phối tại thành phố cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Qua đợt dịch, vai trò của công tác bình ổn thị trường đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa thực phẩm cho người dân trong nhiều tháng nay. Lực lượng này cũng đang là nòng cốt thực hiện bình ổn thị trường Tết cho thành phố” – ông Phương thông tin.
Từ đầu tháng 4, TP HCM đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng doanh nghiệp (DN). Đến nay, các DN đã chuẩn bị 19.881 tỉ đồng để dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết, tương đương Tết Tân Sửu (năm 2021). Trong đó, riêng 7.221 tỉ đồng để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn với các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến.
“Với số vốn chuẩn bị như trên, các DN bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao. Nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm 29%-54,5% nhu cầu. Các DN luôn có lượng hàng dự trữ, sẵn sàng cung ứng ra thị trường trong mọi tình huống” – ông Phương khẳng định.
Trao đổi tại buổi làm việc, một số thành viên đoàn khảo sát lo ngại giá cả hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm tươi sống đang tăng và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng Tết. Một đại biểu nêu ví dụ giá cà chua trên thị trường hiện là 50.000 đồng/kg và lo lắng liệu gần Tết, giá cà chua sẽ tăng đến mức nào vì cà chua cũng là một trong những mặt hàng phổ biến, lượng tiêu thụ lớn?
“Người dân rất quan tâm đến giá cả. Năm nay rất khác những năm trước bởi thu nhập đại đa số người dân bị ảnh hưởng. Chưa kể, dịch kéo dài gây mất mát, ảnh hưởng đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều gia đình. Nếu giá cả tăng cao thì càng làm cho Tết không trọn vẹn” – vị đại biểu này đặt vấn đề.
Theo đại diện Sở Công Thương, một số loại rau củ quả thuộc danh sách hàng bình ổn thị trường Tết. Ngoài ra, tất cả DN tham gia bình ổn thị trường đã ký cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Trong 2 ngày cận Tết, DN sẽ giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm… cho người lao động nghèo, công nhân có thu nhập thấp.
Còn ở kênh phân phối truyền thống, ban quản lý các chợ sẽ theo dõi diễn biến giá cả hàng hóa. Nếu có biến động bất thường về giá cả, ban quản lý chợ sẽ báo ngay cho phòng kinh tế quận – huyện, TP Thủ Đức và Sở Công Thương để kịp thời điều phối, bổ sung nguồn hàng và ổn định giá. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện liên tục các chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường cho công nhân, người lao động với giá bình ổn kèm nhiều chương trình giảm giá thiết thực.
Đại diện Phòng Quản lý Thương mại – Sở Công Thương cho hay theo báo cáo mới nhất của các DN bán lẻ hiện đại tại thành phố, sức mua còn rất thấp, buộc DN phải tung khuyến mại nhiều hơn. Các hệ thống phân phối lớn dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết. Nhiều DN, cửa hàng, hộ kinh doanh… trên địa bàn cũng đang hưởng ứng Tháng khuyến mại tập trung của TP HCM (kéo dài từ ngày 15-11 đến 31-12) với mức giảm giá hấp dẫn để tăng nguồn khách.
Chợ tự phát lấn chợ chính quy
Theo Sở Công Thương, trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19, toàn bộ chợ đầu mối và chợ truyền thống tại thành phố phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Đến nay, việc mở lại chợ còn khó khăn. Cụ thể, 3 chợ đầu mối còn hoạt động dưới 50% công suất, vẫn còn 20/234 chợ truyền thống chưa mở cửa trở lại.
“Vì 3 chợ đầu mối chưa hoạt động đầy đủ công suất dẫn tới cung ứng hàng hóa cho chợ truyền thống còn hạn chế. Ngoài ra, do 3 chợ đầu mối đóng cửa trong thời gian khá dài nên một số thương nhân, tiểu thương đã tổ chức các điểm bán hàng tự phát để cung ứng hàng cho kênh phân phối truyền thống. Hoạt động tại các điểm bán hàng tự phát này đang rất sôi động, cạnh tranh trực tiếp với chợ chính quy, gây khó khăn cho tiểu thương trong chợ nhưng việc giải tán các điểm bán này gặp nhiều trở ngại” – Sở Công Thương nêu thực trạng.
|
Thanh Nhân (theo NLĐ)