Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM nhiện đang thích ứng an toàn, linh hoạt với cấp độ dịch
Cụ thể, trước tình hình Q.10 tăng cấp độ dịch lên cấp độ 3 trong khi học sinh lớp 9, 12 đang học trực tiếp, ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, khi một quận, huyện hay cả thành phố thay đổi cấp độ dịch, đồng nghĩa việc dạy học trực tiếp cũng sẽ thay đổi tương ứng. Việc này đã nằm trong kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp của các cơ sở giáo dục, quận, huyện và thành phố.
“Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngay từ đầu, quy định tùy theo cấp độ dịch, các trường sẽ tổ chức dạy trực tiếp với quy mô, số tiết như thế nào. Do vậy, khi có sự thay đổi cấp độ dịch ở từng địa phương, các cơ sở giáo dục sẽ thích ứng linh hoạt, an toàn”, ông Trọng nói.
Chia sẻ về việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trong bối cảnh dịch bệnh, ông Trọng cho hay, một trong những cách xác định F0 là người dân tự xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ. Nếu gia đình nào có điều kiện, có thể tự xét nghiệm cho học sinh, phát hiện sớm F0 và hạn chế việc đi lại, không cho các em di chuyển đến trường, từ đó sẽ hạn chế nguy cơ tiếp xúc của các em.
“Việc tầm soát, phát hiện sớm như thế này là rất tốt. Trong hướng dẫn xử lý đều có phân ra F0 tại trường học và F0 tại nhà. Tất cả những trường hợp này đều nằm trong kịch bản ứng phó của các nhà trường. F0 ở trường xử lý ra sao, F0 ở nhà có khác gì không, các trường đều đã có phương án xử lý riêng”, đại diện Sở GD-ĐT TP nói thêm.
Tính đến thời điểm này, ông Trọng cho hay Sở GD-ĐT TP đã ghi nhận 34 ca F0 ở nhà trường khi dạy học trực tiếp bao gồm 4 ca giáo viên, 3 ca nhân viên và 27 học sinh. Tất cả những trường hợp này, các trường đã vận hành quy trình xử lý F0 và tiến hành đúng quy định, hướng dẫn.
Trước câu hỏi của phóng viên về tính hiệu quả của việc chia lớp, chia giờ, giáo viên qua lại giữa 2 phòng trong một tiết học, ông Trịnh Duy Trọng thông tin, thực hiện quy định phòng dịch, yếu tố phòng dịch được đặt lên hàng đầu khi khởi động việc dạy học. Vì điều kiện phòng ốc hạn chế cũng như sĩ số học sinh đông, các cơ sở giáo dục thực hiện biện pháp tách đôi lớp để đảm bảo giãn cách.
“Khi tách lớp, việc tổ chức dạy học có nhiều khó khăn, ảnh hướng đến kết quả, hiệu quả của tiết dạy. Dạy 1 lớp có đầy đủ học sinh, thầy trò tương tác trực tiếp sẽ khác với việc thầy cô qua lại giữa 2 lớp. Thế nhưng, hiện nay chúng ta ưu tiên việc thích ứng khi tổ chức dạy học trực tiếp sau đó sẽ dần dần trở lại việc dạy học bình thường”, ông Trọng nói.
Khởi động từ ngày 13-12, hiện nay, TP.HCM đang bước sang tuần thứ 2 thực hiện thí điểm việc dạy và học trực tiếp ở bậc lớp 9, 12. Kết thúc 2 tuần thí điểm, TP sẽ đánh giá, xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3-1-2022.
Theo GDTP