Phim gây cười ở những tình huống hài hước tự nhiên, không lố, không tạo cảm giác dàn dựng và lấy được nước mắt khán giả ở những tình tiết đầy yêu thương của người con dành cho cha hay người mẹ dành cho con. Một điểm trừ là phim nhắc nhiều về nhà tài trợ đôi lúc gây khó chịu nhưng nhìn tổng thể thì đây là phim chiếu mạng tốt, tạo được xúc cảm cho người xem, có sức thu hút qua mỗi tập, khán giả dành nhiều bình luận tích cực cho phim.
Ngoài “Trời ơi, tức muốn chết”, phim chiếu mạng “Gia đình bá đạo” do ê-kíp Thu Trang – Tiến Luật sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”, cũng thu hút không kém. Phim thuộc dạng sit-com (hài tình huống) với mỗi tập là một câu chuyện riêng xoay quanh cuộc sống gia đình. Ở những tập đầu, phim truyền tải thông điệp phòng dịch, nâng cao ý thức 5K dưới góc độ hài hước. Trong những tập về sau, phim đào sâu về những vấn đề trong gia đình, truyền tải tình cảm yêu thương xen lẫn tiếng cười.
Phim “Dịch vụ dzụ dzịt” của ê-kíp Nam Thư cũng là thể loại sit-com với những câu chuyện về tình yêu, gia đình. Nam Thư đầu tư kỹ về nội dung, thời trang và bối cảnh trong từng câu chuyện như những phim chiếu mạng trước đó của cô.
Đây cũng là một điểm nhấn giúp phim chiếu mạng của Nam Thư luôn được khán giả chờ đón. Ngoài ra, một số phim chiếu mạng khác cũng đã được phục vụ khán giả thời gian gần đây: “Công chúa bến xe” của ê-kíp Jang Mi, “Trừ yêu đại sư huynh” của ê-kíp Hoài Tâm…
Phim “Trời ơi, tức muốn chết”. Ảnh cắt từ màn hình
Phim chiếu mạng thường có thời lượng ngắn, việc quay dựng không phức tạp như phim truyền hình dài tập hay phim rạp nên được nhiều nhà làm phim chọn lựa khởi động sau giai đoạn nghỉ dài. Trước đây, các phim chiếu mạng về xã hội đen, phim hài hước tập trung vào giới tính, khai thác các yếu tố làm lố xuất hiện khá nhiều gây mất thiện cảm với công chúng. Nhưng gần đây, phim chiếu mạng đã có sự thay đổi lớn chất lượng từ nội dung cho đến kỹ thuật quay dựng.
Các phim được đầu tư kỹ lưỡng và cho thấy được tiềm năng lớn của thị trường. Nếu khai thác tốt một chủ đề nào đó, phim chiếu mạng nhiều khả năng tạo thành tác phẩm dài chiếu rạp và mang đến thành công cho nhà sản xuất. Thực tế, một số phim chiếu mạng như: “Thập tam muội” của Thu Trang – Tiến Luật, “Bố già” của Trấn Thành, “Ai chết giơ tay” của Huỳnh Lập… đã làm được điều đó.
Đặc biệt, phim chiếu mạng đang và sẽ phát triển đúng đường hướng hơn khi dư thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5-2022. Trước đó, nhiều ý kiến phân vân giữa việc quản lý phim chiếu mạng là tiền kiểm, hậu kiểm hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, hậu kiểm là phương thức nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhất từ người trong giới.
Theo Minh Khuê/NLĐO