Bạn thường xuyên gội đầu mà da đầu vẫn bị hôi thì hãy chú ý những nguyên nhân dưới đây để khắc phục nhé.
Triệu chứng hôi da đầu
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Internet
Triệu chứng của hội chứng bệnh này là da đầu thường có mùi rất khó chịu. Những người mắc phải hội chứng này, cho dù có cố gắng tắm gội sạch sẽ mỗi ngày nhưng cũng không thể thoát khỏi mùi hôi khó chịu đó. Nó có thể quay trở lại ngay sau khi vừa gội đầu hoặc sau đó 1 – 2 ngày.
Ngoài mùi hôi khó chịu từ da đầu, một số người mắc bệnh này còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như da đầu bong tróc, luôn có cảm giác da đầu ướt nhẹp, tóc bết…
Nguyên nhân khiến da đầu bốc mùi hôi
Không chải tóc trước khi gội đầu
Gội đầu đúng cách chính là “chìa khóa” giúp bạn chăm sóc tóc hiệu quả ngay từ đầu. Vì vậy, khi gặp phải bất cứ vấn đề nào, chúng ta cũng nên xem xét lại thói quen làm sạch tóc của mình.
Đa số mọi người đều nghĩ rằng, chỉ cần làm ướt tóc là có thể bắt tay vào việc gội đầu. Tuy nhiên, theo chuyên gia, chải tóc trước khi gội đầu là bước cần thiết vì nhờ đó mà chúng ta có thể loại bỏ bớt bụi bẩn, gỡ rối đồng thời giúp tóc và da đầu sạch hơn, tránh được tình trạng xơ rối, gãy rụng.
Để tăng cường hiệu quả làm sạch cũng như nuôi dưỡng tóc của dầu gội và dầu xả, bạn nên dùng nước ấm xả tóc khoảng 1 – 2 phút rồi massage nhẹ da đầu. Bằng cách này, lớp dầu thừa, bụi bẩn phía ngoài sẽ được loại bỏ bớt từ đó tạo điều kiện cho bước gội đầu tiếp theo. Khi nguyên nhân gây mùi được xử lý tốt thì hiển nhiên tình trạng da đầu có mùi cũng được cải thiện và giảm thiểu dần.
Bỏ quên việc làm sạch da đầu
Mặc dù làm sạch da đầu là việc cần thiết để duy trì sự trao đổi chất và vẻ khỏe mạnh cho mái tóc nhưng hầu hết chúng ta đều ít nhất một lần bỏ quên vấn đề này. Cụ thể là khi gội đầu, nhiều người chỉ massage tóc chứ ít khi tập trung massage da đầu, bước chăm sóc cơ bản như tẩy tế bào chết da đầu cũng không được thực hiện thường xuyên, thậm chí là không có trong quy trình chăm sóc tóc.
Da đầu không chỉ dày hơn da mặt mà còn có xu hướng tiết dầu nhiều hơn. Do đó, nếu bạn không vệ sinh cẩn thận thì sẽ rất dễ khiến nang tóc bị tắc nghẽn hoặc sinh ra mùi hôi khó chịu. Bước gội đầu chỉ thực sự hiệu quả khi bã nhờn, cặn bẩn, tạp chất… gây mùi trên cả tóc lẫn da đầu được “quét” sạch hoàn toàn. Vì vậy, chúng ta nhất định phải chú ý chăm sóc da đầu nhiều hơn nếu muốn ngăn ngừa hoặc cải thiện vấn đề này.
Không sấy khô tóc trước khi đi ngủ
Nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động từ đó khiến da đầu có mùi hôi khó chịu. Vì vậy, nếu bạn có thói quen ủ tóc ướt bằng khăn trong thời gian dài, không sấy khô tóc hoặc để tóc ẩm, tóc ướt đi ngủ thì hãy sửa đổi ngay lập tức. Ngoài ra, hãy nhớ thêm rằng, ngay cả khi chúng ta sấy tóc cẩn thận thì cũng khó có thể đảm bảo da đầu và tóc đã khô hoàn toàn. Do đó, nếu có thể, bạn nên hạn chế gội đầu vào buổi tối hoặc gội đầu trước khi đi ngủ khoảng 2 – 3 tiếng để độ ẩm phân tán hoàn toàn đồng thời tránh tình trạng tóc bị rỗi, gãy rụng.
Ăn quá nhiều đạm động vật và đồ chiên rán
Thói quen ăn uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, làn da và thậm chí là cả mái tóc của bạn. Với các trường hợp muốn cải thiện tình trạng da đầu có mùi hôi, đạm động vật và đồ chiên rán nhiều dầu mỡ chính là những thứ cần phải hạn chế. Thay vào đó, chúng ta nên ăn nhiều rau xanh và trái cây vì nó có khả năng giảm bớt mùi khó chịu.
Cách hạn chế mùi hôi của tóc, da đầu
Sử dụng chanh, muối và rượu
Như đã nói, đầu tóc nhanh bốc mùi chủ yếu là do sự hoạt động quá mức của vi khuẩn, bã nhờn và sự tích tụ của bụi bẩn, nấm… Vì vậy để hạn chế tình trạng này, điều căn bản là bạn phải loại sạch các tác nhân trên.
Dầu gội thông thường chỉ có tác dụng rửa trôi bụi bẩn, cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng tóc. Tuy nhiên, hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn, vi nấm, dầu nhờn chưa thực sự tối ưu. Để khắc phục điều này, bạn áp dụng công thức như sau:
Lấy các nguyên liệu chanh, muối, rượu trắng, phèn chua, nha đam, tỉ lệ 1:1 rồi trộn đều. Thoa hỗn hợp này lên da đầu và mát-xa trong khoảng 5 phút. Các chất kháng khuẩn và khử mùi mạnh trong các nguyên liệu trên sẽ giúp làm thông thoáng da đầu, diệt sạch vi khuẩn, nấm ngứa, vì vậy khử mùi hôi trên tóc và da đầu hiệu quả.
Sau thời gian trên, bạn gội sạch lại với nước lạnh. Tiếp tục gội đầu với dầu gội kháng khuẩn như bình thường. Thực hiện như vậy khoảng 5 lần là tình trạng nặng mùi trên tóc của bạn giảm hẳn.
Sử dụng giấm táo
Cũng tương tự như công thức trên axit trong giấm táo sẽ giúp loại sạch vi khuẩn, dầu nhờ, giúp da đầu và chân tóc thông thoáng, từ đó đẩy lùi hiện tượng nặng mùi trên tóc. Hãy lấy giấm táo mat-xa tóc và da đầu khoảng 5 phút trước khi gội đầu với dầu gội như bình thường.
Lưu ý: Nguyên nhân chính gây hội chứng gây hôi đầu là do vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Vì vậy hãy sử dụng dầu gội hoặc sữa tắm có tính kháng khuẩn kết hợp xà phòng có chứa lưu huỳnh. Một số loại sữa tắm có chất kháng khuẩn như Triclosan có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của vi khuẩn. Trong khi đó lưu huỳnh thì giúp làm giảm lượng dầu tiết ra trên da đầu.
Nhờ đó 2 sản phẩm này có thể loại bỏ “thức ăn” của nấm và vi khuẩn, hạn chế chúng sinh sôi phát triển, vì vậy khắc phục hiện tượng đầu tóc nhanh bốc mùi.
Theo tieudung.vn