Múa rối nước được du khách nước ngoài rất yêu thích
Những dấu ấn vàng son của rối nước Việt
Trong nền nghệ thuật dân gian Bắc bộ, có rất nhiều loại hình sân khấu như chèo, tuồng, hát bội, hát xoan hay dân ca quan họ… trong đó phải kể đến múa rối nước là một trong những bộ môn độc đáo, một “đặc sản tinh thần” của Việt Nam. Ngày nay, nghề múa rối nước đang đi vào quên lãng và có nguy cơ bị mai một trước sự xuất hiện của những luồng gió mới hiện đại và phát triển hơn. Điều này đang khiến cho những nghệ nhân rất tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này rất lo lắng… Ngược dòng lịch sử nghệ thuật múa rối nước truyền thống của dân tộc Việt Nam ra đời vào khoảng thế kỷ XI-XII khi Phật giáo bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Do điều kiện tự nhiên và công việc đồng áng của người dân Việt Nam thường xuyên gắn bó với nước nên chính họ đã sáng tạo ra bộ môn nghệ thuật rối nước này. Họ thường tổ chức các buổi biểu diễn ngoài trời vào những ngày xuân và những ngày mở hội.
Không giống với loại hình văn hóa nghệ thuật khác, sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem thường thông qua kịch bản, ngôn ngữ và được thể hiện bằng nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, thì với múa rối nước, sức hấp dẫn lại nằm ở hành động của con rối, ở kỹ thuật biểu diễn, ở kịch bản, lời thoại, tiết tấu âm nhạc và cả ở sân khấu nước… Múa rối nước thường được đem ra biểu diễn, thi tài phục vụ nhân dân, từ đây nghệ thuật múa rối trở thành thú chơi tao nhã, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đồng bằng Bắc bộ.
Viên ngọc quý bị lãng quên
Tuy thăng hoa là thế, nhưng hiện nay nghệ thuật múa rối nước truyền thống đang dần bị “hiện đại hóa” dẫn đến đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, điều này khiến những người làm rối chuyên nghiệp không khỏi băn khoăn.
Đối với những ai đam mê múa rối nước thì chắc hẳn không quá xa lạ với cái tên nghệ nhân Phan Thanh Liêm. Ông là một nghệ nhân đã gắn bó với nghệ thuật này hơn 20 năm. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho múa rối nước, ông đã luôn hăng say trong lao động, sáng tạo, chăm chút tỉ mỉ từng đường nét trên các con rối, đồng thời nỗ lực biểu diễn chuyên nghiệp nhằm mục đích quảng bá nét nghệ thuật này đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông chia sẻ rằng muốn thành công trong nghệ thuật thì nhất định cần phải có niềm đam mê và tình yêu đủ lớn mới có thể theo đuổi nó lâu dài được. Múa rối nước cũng như thế, vì đây là một nghề truyền thống, ít người biết đến nên cần phải có một “tinh thần thép”, một niềm đam mê mãnh liệt cùng một sự nỗ lực nghiêm túc mới gắn bó dài lâu với nó được.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí để duy trì cũng khá nan giải. Theo nghệ nhân Phan Thanh Liêm: “Việc tạo hình con rối, hay nhân vật rối rơi vào khoảng 100 triệu đồng/con. Sự hiện đại còn kéo theo cả việc phải nâng cấp trang thiết bị, vật tư nhằm phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả thì các phường rối địa phương hầu như không thể đủ kinh phí để thực hiện và thu nhập cho nghệ sĩ biểu diễn múa rối cũng rất bấp bênh, không đảm bảo cho cuộc sống của họ. Vì thế việc thu hút được lớp trẻ tham gia, các nghệ nhân biểu diễn rối nước ở các phường rối đang ngày càng ít dần…”.
Hành trình tìm lại ánh hào quang
Tuy theo đuổi bộ môn nghệ thuật múa rối nước khó khăn, vất vả nhưng những người nghệ nhân vẫn luôn cống hiến, nỗ lực hết mình, mang đến cho khán giả những màn trình diễn đặc sắc nhất.
Các nghệ nhân vẫn luôn tìm tòi, cải tiến nghệ thuật múa rối nước cho phù hợp với thời đại nhưng không làm đánh mất bản sắc dân tộc, đồng thời các nghệ nhân luôn luôn sẵn sàng truyền lửa đam mê cho giới trẻ, những người yêu thích và muốn tìm hiểu, phát triển nghề rối nước này.
Thấu hiểu được nỗi trăn trở của những người đã cống hiến cho nghệ thuật rối nước, với trách nhiệm là những người trẻ nên nhóm Tễu – sinh viên chuyên ngành Quan hệ công chúng – PR & Tổ chức sự kiện thuộc khóa 15.3 – Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Hồ Chí Minh đã thực hiện một dự án rất thiết thực mang tên “Tễu à Tễu ơi”. Sinh viên Nguyễn Ngọc Bão Quỳnh – Trưởng nhóm Tễu cho biết: “Dự án này với mong muốn là không bắt buộc các bạn trẻ phải trở thành người nghệ sĩ thì mới có thể kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống bộ môn múa rối nước, mà giờ đây đã có rất nhiều cách như: vẽ tranh, viết bài trên Facebook, chụp hình liên quan đến chủ đề múa rối nước… thì các bạn cũng đã đóng góp một phần nào trong quá trình duy trì và truyền bá nghệ thuật truyền thống múa rối nước đến rộng hơn với giới trẻ…”.
Nhóm Tễu và dự án “Tễu à Tễu ơi”
Cũng theo bạn Bão Quỳnh thì “Tễu à Tễu ơi” cũng là dự án tốt nghiệp của nhóm diễn ra vào ngày 19-11 tới đây với 3 phần: Phần triển lãm online được thực hiện trên nền tảng website, được đăng tải những thông tin, hình ảnh đặc trưng và cũng như điểm nổi bật của múa rối nước với mục đích khán giả có thể tìm kiếm thông tin, tìm hiểu và yêu thích bộ môn nghệ thuật dân gian này; Phần biểu diễn nghệ thuật cũng sẽ được biểu diễn online thông qua nền tảng Zoom và sẽ livestream trực tiếp trên Fanpage để phổ biến rộng rãi đến khán giả hơn; Phần talk show – giao lưu và chia sẻ cùng khách mời như nghệ nhân Phan Thanh Liêm, đạo diễn Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng Huỳnh Anh Tuấn và dàn diễn viên Nhà hát múa rối nước Rồng Phương Nam… sẽ giúp khán giả có thể biết thêm những câu chuyện đằng sau sân khấu múa rối nước và cảm thấy yêu hơn bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Theo GDTP