Mặt bằng, nhân công… cái gì cũng rẻ
Tưng bừng khai trương tiệm bánh chỉ 3 ngày sau khi TP.Hà Nội chính thức ngừng áp dụng Chỉ thị 16, chị Thúy Hiền (ngụ Q.Long Biên, Hà Nội) hồ hởi thông báo khởi nghiệp sau 4 năm ở nhà nuôi con, chăm sóc gia đình. Chị Hiền kể từ cuối năm 2019, chị đã nuôi ý định bắt đầu kinh doanh để phụ giúp chồng có thêm thu nhập, cũng là để bản thân được ra ngoài giao tiếp cho năng động. Thời điểm đó, chị tính sửa sang lại căn nhà đang cho thuê thành mô hình lưu trú homestay dành cho khách du lịch, đồng thời kết nối với một số đại lý, trở thành cộng tác viên bán tour. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến ngành du lịch đóng băng, kế hoạch trở thành bà chủ homestay đổ bể.
Nhiều doanh nghiệp nhạy bén nhanh chóng trở lại, đón đầu cơ hội phục hồi. NGỌC THẮNG
Thời gian TP.Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, chị Hiền ở nhà tìm tòi học làm bánh bao nguyên cám cho gia đình ăn kiêng, kết quả lại thành công ngoài mong đợi. Sau khi chia sẻ thành quả lên mạng xã hội, được nhiều người cùng chung cư đặt mua và quay lại đặt tiếp, chị Hiền quyết định mở luôn tiệm bánh online, làm thêm nhiều loại như bánh mì hoa cúc nguyên cám, bánh mè Hàn Quốc…
Mấy anh em bảo nhau mở cửa rồi, khởi nghiệp lại thôi chứ còn đợi đến bao giờ. Theo quy luật thì sau một thời gian suy thoái, kinh tế sẽ tăng mạnh trở lại, đó chính là cơ hội.
Anh T.K.H (Q.4, TP.HCM), chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống |
“Vừa tháo dỡ giãn cách thì người thuê nhà của tôi trả nhà, về quê nên tôi lấy mặt bằng mở tiệm bánh luôn chứ cho thuê giờ cũng không được bao nhiêu. Giai đoạn này hình như ai cũng có nhu cầu ăn đồ lành mạnh, đồ giảm cân nên lượng hàng bán rất ổn, dù giá những loại thực phẩm này khá cao so với bánh làm từ bột bình thường. Tôi đang học làm thêm vài loại nước uống thanh lọc cơ thể, kê bàn cho khách tới ngồi vì lâu ngày không được ra ngoài, nhu cầu ngồi ăn tại chỗ rất lớn, nhiều khách yêu cầu”, chị Hiền chia sẻ.
Cũng đang bận rộn triền miên với những cuộc họp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group – đơn vị sở hữu hệ thống cà phê The Bunny Coffee tại TP.HCM, bật mí với PV Thanh Niên về kế hoạch mở rộng chuỗi The Bunny Coffee. Theo ông Tùng, sau thời gian dài chật vật mới có thể tìm được mặt bằng ưng ý cho 3 quán The Bunny Coffee tại Q.1, Q.3 và Q.10 đang hoạt động, đây là thời cơ rất tốt để công ty nhanh chóng mở thêm các quán mới tại những vị trí đắc địa với giá mặt bằng giảm chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước dịch. “Việc mở cửa hàng giai đoạn này cực dễ. Mặt bằng khắp nơi treo biển cho thuê, giá giảm mạnh, thoải mái chọn vị trí đẹp. Bên cạnh đó, thời gian qua có nhiều chuỗi cà phê, nhà hàng phải đóng cửa, để lại số lượng lớn nhân sự lao động chuyên môn cao, dễ dàng huy động”, ông Tùng nói.
Cũng đang đôn đáo tìm mặt bằng, anh T.K.H (ngụ Q.4, TP.HCM), chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho biết sẽ mở lại nhà hàng đã đóng cửa cách đây hơn 1 năm. “Mấy anh em bảo nhau mở cửa rồi, khởi nghiệp lại thôi chứ còn đợi đến bao giờ. Theo quy luật thì sau một thời gian suy thoái, kinh tế sẽ tăng mạnh trở lại, đó chính là cơ hội”, anh H. nói.
“Tháo chốt” để bung lò xo
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bắt đầu có sự phục hồi. Trong tháng 10, cả nước có 8.233 công ty thành lập mới với số vốn đăng ký là 108.600 tỉ đồng và 58.800 lao động, tăng 111,2% về số lượng, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9. Số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng 29,8% so với tháng trước.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhận định các con số tăng trưởng trên là minh chứng rất rõ cho chiếc lò xo kinh tế sau thời gian bị nén lại, đã lập tức bung ra ngay khi Chính phủ “tháo chốt”, mở cửa. Cụ thể, khác với các cuộc suy thoái kinh tế từ khủng hoảng tài chính, tiền tệ hay nợ công mang tính cơ cấu, khó khăn kinh tế thời gian qua đến từ các lệnh phong tỏa, giãn cách, làm gián đoạn các cơ hội kinh doanh. Sau thời gian bị gián đoạn, nhu cầu người dân từ đi lại, du lịch, mua sắm, dịch vụ… khi quay lại sẽ bung ra rất mạnh, tạo nhu cầu lớn cho nền kinh tế. Vì thế, ngay khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát tốt, cộng đồng DN đã lập tức nhanh nhạy nối lại các cơ hội.
“Khi mọi thứ trở về vạch đích, xóa bàn làm lại, ai nhanh hơn, tăng tốc vươn lên trước sẽ đón được thời cơ của sự phục hồi. Cuộc sống bình thường quay trở lại, những cơ hội bắt đầu bung ra, làn sóng DN mới hình thành báo hiệu sự khởi sắc thực sự của nền kinh tế. Điều này cũng cho thấy nền tảng kinh tế vĩ mô, chính trị, môi trường kinh doanh của VN khá bền vững, tuy bị tác động nhưng không đến mức suy sụp, vẫn tạo được điều kiện cho sự kinh doanh bền vững”, ông Anh Tuấn khẳng định.
“Quan trọng là những chính sách cải cách hành chính, thúc đẩy môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng. Tháo chốt để bung lò xo nhưng cũng cần kích thích, mở ra thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, tạo động lực phục hồi kinh tế trở lại”.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright) |
Tuy vậy, dưới góc độ DN, ông Nguyễn Đình Tùng vẫn lo ngại chủ trương mở cửa kinh tế của TP.HCM, của Chính phủ có quyết liệt hay không để cân nhắc giữa mặt lợi về chi phí khởi nguồn và rủi ro về lượng khách, chi phí duy trì trong thời gian tới. Theo ông, trong số hàng ngàn DN đăng ký mới, có số lượng rất lớn là những DN “thay áo” – khai tử công ty này để khai sinh công ty mới – mục tiêu là thuận tiện cho việc tái cơ cấu sau thời gian dài kiệt quệ. Đây không phải những DN mới được điều hành từ những doanh nhân mới có nền tảng mới vững chắc. Vì thế, những chính sách hỗ trợ DN, thúc đẩy thị trường là rất cần thiết để biến những tín hiệu lạc quan trở thành động lực thực sự thúc đẩy kinh tế trở lại nhanh nhất có thể.
Đồng tình, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý giai đoạn này DN khởi động có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Từ nguồn lao động chưa hoàn toàn hồi phục, thu nhập người dân bị bào mòn cần thêm thời gian khôi phục, cho tới các chuỗi cung ứng vẫn chưa thể nối lại xuyên suốt do độ mở cửa của các địa phương chưa đồng đều…; tất cả những rào cản này làm tăng chi phí. Vì thế, rất cần chính sách thúc đẩy sự hồi phục, kích thích kinh tế thông qua các gói kích cầu trọng tâm, trọng điểm như miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, lãi suất… vào khu vực ngành nghề kinh tế động lực, có chiến lược ưu tiên phát triển.
Những gói hỗ trợ về tài khóa phải được thiết kế theo hướng thúc đẩy phục hồi, kích thích phát triển, không còn là những gói duy trì thu nhập cho người dân, DN như trong giai đoạn dịch bệnh. Đối với các DN mới thành lập, cần giảm tất cả những chi phí khởi nghiệp như chi phí thủ tục, giấy phép, lệ phí thành lập, chi phí đào tạo lao động, tiếp cận thị trường…
Theo Hà Mai/TNO