Áp lực gia tăng
Trong một xã hội coi trọng sự xuất sắc về học tập (đặc biệt ở các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…), học sinh thường liên tục bị cha mẹ áp đặt về viễn cảnh một tương lai tươi sáng và thành công trong cuộc sống từ việc miệt mài học tập. Những em không đạt được kỳ vọng thường phải đối mặt với lời chỉ trích gay gắt, gây ra sự tự nghi ngờ cho chính mình về khả năng và sự thông minh. Trên khắp thế giới, học sinh phải chịu đựng cảm giác căng thẳng, lo lắng và bị cô lập khi đại dịch buộc các cộng đồng và trường học đóng cửa trong nhiều tháng.
Khi các trường học tại Trung Quốc tái mở cửa, chính phủ đã ban hành luật nhằm giảm tải bài tập về nhà cho học sinh, đóng cửa các trung tâm dạy thêm… – Ảnh: Getty Images |
Tại Singapore, sự gia tăng đột biến ca nhiễm từ mùa hè 2021 – bao gồm một số ca nhiễm ở trường học – thúc đẩy các biện pháp giãn cách chặt hơn trên toàn quốc. Trong một nỗ lực giảm ca nhiễm, các học sinh quay trở lại học trực tuyến trong 10 ngày vào cuối tháng Năm. Nhưng trong môi trường học tập cạnh tranh cao, ngay cả khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng đủ khiến học sinh thêm lo lắng. Kate Lau, một học sinh 14 tuổi, cho biết: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều người tự tạo áp lực cho bản thân để làm tốt việc học, đặc biệt là sau vụ phong tỏa. Tình hình đã được cải thiện, nhưng tôi vẫn còn lo lắng”.
Tương tự, một cuộc khảo sát tại Thái Lan phát hiện gần 1/3 số học sinh trải qua nhiều lo lắng và căng thẳng hơn sau khi COVID-19 thúc đẩy hệ thống giáo dục chuyển sang học trực tuyến. Cuộc khảo sát kiểm tra sức khỏe tâm thần thực hiện vào tháng 9/2021 trên 2.045 học sinh cho thấy, có hơn 29% cảm thấy lo lắng và căng thẳng hơn kể từ khi chuyển sang trực tuyến, trong khi khoảng 17% cảm thấy kiệt sức về mặt tinh thần. Cuộc khảo sát ghi nhận rằng học sinh nhỏ tuổi có nguy cơ lo lắng cao gấp ba lần so với những học sinh gần tuổi trưởng thành.
Phụ huynh muốn con học thêm nhiều hơn
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các bậc cha mẹ trên khắp thế giới ngày càng sẵn sàng đóng học phí cho con học thêm với hy vọng thúc đẩy kết quả học tập của con cái. Cuộc khủng hoảng COVID-19 càng đẩy nhanh xu hướng đó. Ngành “công nghiệp dạy thêm” bao gồm các trường luyện thi, các khóa dạy kèm và các khóa học trực tuyến có trả phí, với các nhà cung cấp dịch vụ đa dạng từ những giáo viên địa phương cho đến các công ty đa quốc gia. Hoạt động dạy thêm phát triển lớn mạnh nhất là ở khu vực Đông Á, với khoảng 80% trẻ em ở độ tuổi tiểu học của Hàn Quốc tham gia lớp học thêm, tỷ lệ đó ở Nhật Bản có lúc lên đến 90% trẻ em được hỗ trợ học thêm ngoài giờ học chính khóa vào một số thời điểm.
Lúc đầu, đại dịch đã khiến sự phát triển của ngành công nghiệp dạy thêm bị đình trệ. Chính phủ nhiều nước buộc những trung tâm dạy kèm đóng cửa chung với hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, khi các trường học trở lại trạng thái “bình thường mới”, mong muốn đưa con em đến các lớp dạy thêm của phụ huynh trở nên nhiều hơn. Sangita Halder – một người giúp việc nhà ở Delhi (Ấn Độ) – cho biết, cô đang chi gấp ba lần cho việc cậu con trai 14 tuổi học kèm so với hồi trước đại dịch, dù thu nhập của gia đình giảm một nửa. Nếu không làm như vậy, cô sợ rằng con mình sẽ không thể tiến bộ trong việc học.
Vào tháng 7, Chính phủ Trung Quốc đã cấm dạy thêm trong các ngày cuối tuần và ngày lễ. Đến tháng 10, quốc gia đông dân nhất thế giới tiếp tục thông qua một đạo luật để giảm bớt “áp lực kép” của việc phải làm bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ cho trẻ em. Nhưng điều đó dường như vẫn không thể ngăn cản nhiều bậc cha mẹ tìm kiếm sự giúp đỡ học tập cho con cái của họ. Một số phụ huynh chuyển sang hình thức thuê gia sư tư nhân đắt tiền bất kể họ có được chính phủ cho phép hay không.
Trước thực tế đó, các nhà hoạch định chính sách đã phải tìm cách điều chỉnh việc học thêm hợp lý hơn, thay vì cố dẹp bỏ. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã cải tiến vấn đề này bằng cách lập ra hệ thống trường bổ túc công lập để thay thế các trường luyện thi tư nhân, thử nghiệm chương trình giảm học phí cho học sinh nghèo…. Phó giáo sư Soren Christensen – Khoa Nghiên cứu giáo dục Đại học Aarhus (Đan Mạch) – nhận xét: “Rất khó để các chính phủ giải quyết vấn đề dạy kèm, học thêm. Chúng ta chỉ có thể tìm cách để tối đa hóa những khía cạnh tốt nhất, loại bỏ những hậu quả tai hại của nó mà thôi”.
Ngọc Hạ/PNO (theo NBC, Marketplace, SCMP, Economist, BBC)