Số lượng doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Phụ nữ trở thành lực lượng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Số doanh nghiệp do nữ làm chủ không ngừng tăng lên
Số liệu thống kê từ Báo cáo của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam năm 2021 vừa diễn ra tại Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) cho thấy, cùng với sự nghiệp bình đẳng giới, đội ngũ doanh nhân nữ ngày càng lớn mạnh, chiếm khoảng 26,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, đứng thứ 6 trong các quốc gia có số doanh nhân nữ cao nhất.
Không chỉ phát triển về số lượng, năng lực, trình độ của doanh nhân nữ và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng không ngừng phát triển, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên tầm quốc gia và khu vực.
Hiện số lượng doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 4% vào năm 2009 đã lên tới 21% vào năm 2011 và đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tại đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, Đảng, Nhà nước và xã hội ngày càng đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ngày càng có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của đất nước.
Đặc biệt, trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã kiên cường, cố gắng duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch, vừa đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội.
Tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng tăng nhanh. Như tại Thái Nguyên, tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có 7.776 doanh nghiệp, trong đó có tới 23% doanh nghiệp do nữ làm chủ. Con số này được đánh giá tăng lên theo từng năm và có sự đa dạng về ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp nữ cũng không ngừng lớn mạnh về chất lượng mà mở rộng địa bàn hoạt động. Đặc biệt, không chỉ tăng lên về số lượng, nhiều doanh nhân nữ hiện nay đã đạt được những thành tựu lớn, được vinh danh nhiều danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế, như: Anh Hùng lao động thời kỳ đổi mới; “Top 50 doanh nhân quyền lực nhất châu Á” nhiều năm liên tiếp; “Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu”; “Nữ doanh nhân quyền lực” tại Diễn đàn Tri thức Thế giới (Hàn Quốc); “Top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp khu vực”…
Ngoài vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động, các nữ doanh nhân Việt Nam được đánh giá ngày càng chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đứng vững và đạt mức tăng trưởng cao. Điển hình như Tập đoàn TH True Milk của doanh nhân Thái Hương, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020, nhưng trong năm, doanh nghiệp này vẫn đạt mức tăng trưởng 2 con số, tăng quy mô sản xuất, đảm bảo đầy đủ các phúc lợi cho người lao động.
Theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ khát vọng đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, rất nhiều nữ doanh nhân Việt Nam khởi nghiệp vì niềm đam mê với lĩnh vực kinh doanh mà mình đang theo đuổi, như doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO King Coffee, cà phê không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn tạo sinh kế ổn định cho nhiều người dân.
Đó cũng là lý do, bà sáng lập Dự án “Women Can Do” nhằm hỗ trợ được 100.000 phụ nữ khởi nghiệp đến năm 2025.
Chia sẻ về cơ duyên đến với lĩnh vực đấu giá và trở thành một trong những người “khai mở” lĩnh vực này tại Việt Nam, doanh nhân Đỗ Thị Hồng Hạnh – CEO Công ty Cổ phần bán đấu giá Lạc Việt – cho biết, Công ty ra đời, với mục đích tạo sân chơi lành mạnh cho lĩnh vực đấu giá các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam.
“Nghề này có rất nhiều điều thú vị, mỗi tài sản được đem ra đấu giá đều khác biệt, làm cho mình luôn được làm mới, được có cảm giác đi chinh phục thị trường, chinh phục khách hàng… chính điều này khiến tôi đam mê”, Bà Hạnh chia sẻ.
Đam mê kinh doanh là “chìa khóa” giúp đại đa số doanh nhân nữ có được thành công. Theo đó, bên cạnh tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nhân nữ phát triển thì khơi dậy đam mê, khát vọng kinh doanh cho phụ nữ cũng nhằm tăng sức đóng góp của phụ nữ vào tăng trưởng kinh tế.
Hiện Việt Nam có 30% phụ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp, qua đó chứng tỏ vai trò của nữ doanh nhân trong nền kinh tế xã hội ngày càng được khẳng định.
“Sân chơi” cho phụ nữ học hỏi, vươn lên làm chủ
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” nêu rõ quan tâm hỗ trợ với phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác/ hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ.
Mục tiêu của đề án là, nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2025 đạt được các mục tiêu, gồm:
90% cán bộ hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 10.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/ hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá, với cách làm đầy sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp tại Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Chính phủ đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, lĩnh vực, ngành nghề tham gia.
Trong đó đặc biệt, 51% đề án tham gia dự thi là của phụ nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng… qua đó chứng tỏ, Đề án không chỉ tạo ra cơ chế, chính sách mà còn mở ra “sân chơi” cho phụ nữ, giúp họ có cơ hội trao đổi, học hỏi và vươn lên khẳng định bản thân, làm chủ cuộc sống.
Đánh giá cao những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thời gian qua, nhất là Quyết định 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO King Coffee, để khởi nghiệp thành công, phụ nữ rất cần hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính, cơ chế, chính sách, mà cần được sự hỗ trợ về năng lực nội tại để phát triển, đặc biệt là kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiệu quả.
“Phụ nữ là một nửa của thế giới, một nửa lực lượng lao động, chính vì vậy hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một hướng đi đúng đắn, vừa thúc đẩy kinh tế, vừa tạo ra sự tiến bộ, bình đẳng giới trong xã hội”, bà Thảo nhấn mạnh.