Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã cho thấy một điều sự lây lan nhanh của dịch bệnh có liên quan đến yếu tố dân số.
Mật độ dân số chính là các ổ nóng dễ làm bùng phát và phát tán dịch bệnh. Ảnh: H.P
Nơi bị tổn thương nặng nhất…
Chính quyền TPHCM tiến hành di chuyển 2.000 người dân sống ở các khu nhà tạm bợ, chật chội ở quận Bình Thạnh đi nơi khác trong 22 ngày, tiếp đến Hà Nội đưa hơn 1.200 người dân sống ở phường Thanh Xuân Trung đi nơi khác trong 14 ngày.
Sau đó, việc di dời người dân được TPHCM tiếp tục thực hiện ở quận 4, quận 5, Bình Tân, Tân Phú. Nếu nhìn ra các thành phố/quốc gia lân cận sẽ thấy Bangkok, Jakarta, Manila hay Singapore cũng làm điều tương tự. Điều này cho thấy dịch bệnh có liên quan chặt chẽ đến yếu tố dân số.
Từ thực tế đang diễn ra sau gần hai năm bùng nổ dịch Covid-19, người ta dễ dàng nhận thấy nơi bị tổn thương nặng nhất, dễ lây nhiễm nhất, và khó khăn trong việc chống đỡ nhất chính là các thành phố tập trung đông dân cư với mật độ dân số cao. Các thành phố ở châu Á được coi là tâm điểm của dịch Covid-19 thì đều có dân số trên dưới 10 triệu người.
Các thành phố này đều có đặc điểm giống nhau khiến cho dịch bệnh dễ xâm nhập và phát tán. Đó là trung tâm của các đầu mối giao thông, trung tâm dịch vụ, trung tâm công nghiệp lớn nhất, nhì cả nước cho nên thu hút một lượng người đến định cư và vãng lai rất đông. Như trường hợp của TPHCM cho thấy rõ điều đó.
Vì là đầu mối giao thông đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy cho nên lượng người qua lại rất đông, nhất là đường hàng không quốc nội và quốc ngoại, bởi vậy dịch bệnh lây lan từ vùng này qua vùng khác là khó tránh khỏi, hơn thế nữa TPHCM là trung tâm kinh tế-tài chính, dịch vụ lớn nhất cả nước, cho nên trở thành nơi tụ cư của hàng triệu người trong và ngoài nước.
Mật độ dân số quá cao, nên giãn cách là điều không thể
Nếu dân số đông là tiền đề cho mối nguy cơ dịch bệnh, thì mật độ dân số chính là các ổ nóng dễ làm bùng phát và phát tán dịch bệnh. Trong lần dịch thứ tư này, TPHCM chia ra làm các vùng đỏ, cam, vàng, xanh để chỉ mức độ dịch bệnh, thì hầu như những quận/huyện rơi vào vùng nguy cơ cao và rất cao đều là những khu vực có mật độ dân số trên mỗi ki lô mét vuông cực kỳ cao.
Quận Tân Phú (31.000), quận 4 (48.500), quận 5 (38.000), Tân Bình (23.000), Bình Thạnh (25.000), quận 10 (65.000), quận 11 (64.000 người). Đấy là mật độ dân số trung bình toàn quận, còn nếu tính cực đại thì cao không sao tưởng tượng được, có thể lên đến gần 100.000 người.
Chính vì mật độ dân số nén quá chặt như vậy mà việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vô cùng khó khăn. Một yêu cầu của Chỉ thị 16 là phải thực hiện nghiêm ngặt 5K, như “ở đâu, ở yên đó”, không tập trung quá hai người tại một điểm, người cách người 2 mét.
Do khu vực dân cư đông, nhà nhỏ hẹp mà mỗi gia đình lại có 5-6 thành viên sống chung, một dãy hẻm nhỏ chứa hàng chục ngàn người, mật độ dân số tính theo mỗi ô phố, mỗi hẻm phố cực kỳ cao lên đến cả trăm ngàn người, 5K là một thách thức. Thậm chí gọi là hai dãy nhà song song, nhưng con hẻm quá nhỏ có khi chỉ chừng một mét, tức là nhỏ hơn quy định giãn cách tối thiểu là hai mét, như thế việc giãn cách, cách ly là bất khả thi.
Trong hoàn cảnh đó thì việc giãn cách nhà với nhà, hẻm với hẻm, phường với phường dường như không thể. Nếu có ai ở nhà đấy đi nữa, thì khi người nhà này nói với sang nhà kia, nước bọt văng sang nhà hàng xóm là chắc chắn. Chính vì thế mà buộc phải di dời bớt dân ra khỏi địa bàn, một điều chẳng đặng đừng, nhưng không còn cách nào tốt hơn.
Dịch cho thấy mô hình đại đô thị không còn phù hợp
Từ thực tế này mà các nhà đô thị học, kiến trúc sư tính đến việc thiết kế các thành phố nhỏ và vừa cho tương lai, các đại đô thị hàng chục triệu dân có lẽ không còn phù hợp nữa, còn nếu tính đến các đại đô thị hàng triệu dân thì đó là một tổ hợp của nhiều thành phố nhỏ hợp thành, mỗi thành phố không quá 200.000 dân như các kiến trúc sư ở châu Âu dự tính. Khi ấy mỗi thành phố là một đơn vị độc lập, giữa chúng có khoảng giãn cách tự nhiên là những cánh rừng rộng, con sông hay những khoảng xanh lớn có vai trò như là vành đai xanh để khi cần có thể khoanh vùng giãn cách và cô lập từng thành phố lại ngay được.
Hy vọng rằng những bài học kinh nghiệm đắt giá từ hàng chục ngàn mạng người chết trong dịch Covid-19 này sẽ làm thức tỉnh các nhà quản lý và các nhà quy hoạch suy nghĩ về một diện mạo mới cho TPHCM.
Có lẽ chính quyền Việt Nam và các nhà quy hoạch chiến lược phải tính đến tái cấu trúc lại các thành phố lớn sao cho giảm mật độ dân số xuống mức có thể kiểm soát được.
Hà Nội từ trước năm 2000 đã lên phương án tái cấu trúc lại khu phố cổ, bỏ bớt nhà, tăng mảng xanh, giãn dân ra khu vực khác, nhằm giảm dân số. Các đề án quy hoạch hợp tác với Nhật Bản, nhưng cứ rục rịch mãi mà không triển khai được.
Từ năm 1990, TPHCM có kế hoạch giảm dân số khu vực các quận trung tâm chỉ còn 1,7-2,2 triệu dân, một loạt các biện pháp được đề xuất như di dời các trường đại học, các nhà máy, các công sở có đông lao động ra bên ngoài, xây dựng hai thành phố vệ tinh ở Củ Chi và Hiệp Phước để giãn dân, phát triển các khu dân cư mới ở phía Nam và Đông Bắc nhằm hút dân ra phía ngoài. Nhưng sau 30 năm, dân cư không giảm mà lại tăng lên đến 3,6 triệu.
Giãn dân không đạt được vì việc giảm dân số không gắn với tái cấu trúc không gian, tức là làm mới các ô phố, tạo ra các không gian sống mới và cùng với nó là phân bổ lại dân cư.
Lịch sử các thành phố của Trung Quốc trước năm 1990, tất cả đều có cấu trúc giống nhau, đa phần là những khu nhà cấp 4 mái tôn, lợp giấy dầu lụp xụp chen chúc nhau, hoặc các dãy phố shophouse chạy mút tầm mắt, đường phố hẹp, ngoằn ngoèo. Lượng dân cư và mật độ dân số ở những khu nhà này rất đông và rất cao.
Những năm sau này khi Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa thì họ cũng đồng thời tiến hành cấu trúc lại tất cả các thành phố, dẹp bỏ các kiểu cư trú cũ, đưa tất cả dân cư vào sống trong các chung cư cao tầng, các cao ốc hiện đại, bao quanh là công viên cây xanh rộng lớn, thiết kế lại giao thông rành mạch, thông thoáng hơn. Chính kiểu cư trú nén này giúp Trung Quốc kiểm soát được dịch rất tốt.
Từ kinh nghiệm Singapore cũng cho thấy điều này, vào tháng 4-2020, tưởng như đã khống chế được dịch và chuẩn bị bãi bỏ lệnh giãn cách thì đột nhiên dịch bùng phát trở lại ở các ký túc xá dành cho dân lao động nhập cư.
Do sơ sẩy nên chính quyền Singapore đã bỏ quên các ký túc xá là nơi sinh sống của gần 600.000 dân lao động nhập cư, chen chúc trong không gian nhỏ hẹp, tới 8-12 người sống trong một phòng. Khi phát hiện ra thì hơn 60% số lao động này bị nhiễm. Mới đây nhất, Chính phủ Singapore quyết định phá bỏ các khu nhà ở công nhân nước ngoài để xây mới, đảm bảo chỉ 3-4 công nhân/một căn hộ khép kín, chứ không ở tập thể 16-20 người nữa.
Có lẽ Hà Nội, TPHCM cần tính đến bài toán tái cấu trúc không gian sống tương tự như Trung Quốc, tức là phá bỏ dần các khu dân cư thấp tầng, có mật độ xây dựng cao và dân số dày đặc, chen chúc, lụp xụp, được phát triển theo phương vị ngang, chiếm dụng quá nhiều đất, để chuyển sang hình thái cư trú mới là nén vào các tòa nhà cao tầng hiện đại, có không gian xanh lớn, độ giãn cách giữa các công trình xây dựng lớn. Chính mô hình này sẽ làm giảm thiểu các rủi ro khi xảy ra ở đô thị như cháy nổ, dịch bệnh.
Việc tái cấu trúc đô thị như đề cập trên đây là cần thiết, nhưng được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như vốn, trình độ quản lý quy hoạch và nhất là quyết tâm chính trị của bộ máy lãnh đạo.
Ở TPHCM đã từng có một nhóm kiến trúc sư đưa ra đề án cải tạo các khu dân cư thấp tầng lụp xụp thành các khu nhà ở cao tầng hiện đại với mô hình mẫu (chọn khu Nancy quận 5) sau đó nhân rộng ra toàn thành phố, nhưng bị cho là “điên”. Hy vọng rằng những bài học kinh nghiệm đắt giá từ hàng chục ngàn mạng người chết trong dịch Covid-19 này sẽ làm thức tỉnh các nhà quản lý và các nhà quy hoạch suy nghĩ về một diện mạo mới cho TPHCM và chuẩn bị cho những thành phố tương lai.
TS. Nguyễn Minh Hòa
(Theo Thesaigontimes.vn)