Ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Pú Thọ tổ chức hội nghị hành chính trực tuyến với UBND các huyện, thành, thị về đầu tư, xây dựng 9 tháng đầu năm. Ông Bùi Minh Châu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ- Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Mặc dù chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng công tác đầu tư, xây dựng 9 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến.
Ông Châu đề nghị: Thời gian tới, UBND tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đảm bảo theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó lưu ý chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
Các sở, ngành địa phương phải ưu tiên các dự án trọng điểm, coi trọng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện; thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ, viên chức đáp ứng yêu cầu về số lượng và năng lực phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và quản lý đất đai.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đánh giá chung công tác đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2021 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đồng chí phân tích một số hạn chế, vướng mắc mà các ngành, các địa phương cần khắc phục trong thời gian tới như: Việc phân bổ vốn còn chậm dẫn đến một số dự án cho chủ trương khởi công năm 2021 chưa triển khai được; công tác tư vấn, giám sát, lập dự án, còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng, nhất là liên quan đến đất lúa, đất rừng trồng còn gặp rất nhiều khó khăn,…
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ – Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Phú Thọ xác định quyết tâm phấn đấu triển khai bằng được các dự án đầu tư công năm 2021. Các cơ quan chức năng cùng các chủ đầu tư chịu trách nhiệm, rà soát báo cáo tiến độ triển khai dự án một cách kịp thời để tìm biện pháp tháo gỡ. Trong đó đặc biệt chú ý dự án Cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ và dự án Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C, tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái.
Đặt mục tiêu đến ngày 31/12/2021, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt tối thiểu đạt 90%, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Khẩn trương thực hiện công tác quyết toán vốn đối với các dự án đã hoàn thành; kiên quyết không bố trí vốn với các dự án hoàn thành mà chưa quyết toán. Chủ đầu tư các dự án phải chịu trách nhiệm để thu hồi vốn tạm ứng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chấn chỉnh công tác tư vấn, giám sát, lập dự án để đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình; nghiên cứu xây dựng phương án đơn giá vật liệu xây dựng sát thực tế, có sự điều chỉnh linh hoạt để gỡ khó cho các nhà thầu. Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát lại các dự án đã giao cho chủ đầu tư năm 2021 đảm bảo quy định và phù hợp với thực tiễn. Sở Nội vụ, Sở Xây dựng đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy, quy chế làm việc của Ban Quản lý dự án ở các ngành, các địa phương đảm bảo quy định, dựa trên cơ sở đặc thù của từng ngành, từng địa phương. Chuẩn bị cho kế hoạch vốn đầu tư năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ động căn cứ vào kế hoạch của trung ương để xây dựng kế hoạch của tỉnh cho kịp thời.
Đối với các dự án đầu tư tư nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Bùi Văn Quang cho biết: Mặc dù số dự án được cho chủ trương đầu tư khá nhiều nhưng số dự án đã đi vào hoạt động còn khiêm tốn, hiện nay còn khoảng 400 dự án chậm và chưa đầu tư do quy trình thủ tục chậm, chưa đánh giá tốt năng lực của nhà đầu tư.
Do đó, thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư; nâng cao năng lực tư vấn của đội ngũ cán bộ và sự phối hợp của cơ quan có liên quan để giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chú trọng công tác lập quy hoạch, xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư; tiếp tục rà soát quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian cho chủ trương đầu tư; nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình lấy ý kiến đối với các dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả, nhanh gọn; khi triển khai lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phải khẩn trương có phương án tái định cư để dự án không bị “mắc”.
Với tinh thần tạo mọi điều kiện cho các dự án đầu tư tư nhân, coi sự phát triển của doanh nghiệp như sự phát triển của huyện, của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian tới, Phú Thọ sẽ nghiên cứu thành lập Ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những kết quả, khó khăn, vướng mắc và các giải pháp để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Tính đến ngày 23/9/2021, tổng số kế hoạch vốn đầu tư đã được phân bổ chi tiết là 2.721.278 triệu đồng; tổng số vốn đã giải ngân thanh toán là 1.430.400 triệu đồng, đạt 53,6% (trung bình của cả nước tương ứng là 47,38%). Việc triển khai giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 thực hiện đúng theo quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành trung ương; đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo đúng thời gian, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cơ chế điều hành kế hoạch Nhà nước năm 2021 của UBND tỉnh. Bố trí vốn tập trung, giảm tối đa các dự án khởi công mới, tăng số dự án hoàn thành, hoàn thành quyết toán, góp phần giảm nợ xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện bộ mặt đô thị, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, có 279 dự án sử dụng vốn đầu tư công được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư 8.162,7 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, các chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư; đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, một số chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện, giải ngân từng dự án đảm bảo tiến độ theo quy định.
Đối với các dự án đầu tư tư nhân, tính đến ngày 30/8/2021, tổng số dự án đầu tư tư nhân trong nước, ngoài khu công nghiệp là 860 dự án; tổng mức vốn đăng ký trên 45.440 tỷ đồng. Số lượng, tiến độ thực hiện các dự án có sự chuyển biến so với giai đoạn trước, số dự án hoàn thành đến nay là 484 dự án, chiếm tỷ lệ trên 50%.
Về công tác quản lý xây dựng, 9 tháng đầu năm 2021, Sở Xây dựng, các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành đã thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán 141 công trình, đề nghị cắt giảm 11 tỷ đồng, góp phần chống thất thoát, lãng phí ngay từ khâu lập thiết kế, dự toán và phòng ngừng rủi ro về chất lượng công trình.
PV