Nhiều người không bất ngờ với khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (ban IV), công bố vào cuối tháng 8-2021, khi báo cáo này cho thấy một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp đã hoặc sắp vào ICU (phòng chăm sóc đặc biệt, như bệnh nhân Covid-19 nặng).
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rơi vào tình trạng thoi thóp. (Ảnh minh họa)
Căn bệnh chung mà các doanh nghiệp này mắc phải là dòng tiền bị đứt gãy khiến cho cùng chỉ số thanh khoản (liquidity) trở xấu nhanh, nhiều trong số đó nhanh chóng bị rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính (financial distress).
Khi tiền mặt là vua
Trong tài chính, người ta hay nói “cash is King” để ám chỉ rằng trong việc xem xét khả năng thanh khoản của một doanh nghiệp, tiền mặt mới là quan trọng nhất. Khi tính toán chỉ số thanh khoản dựa vào bảng cân đối kế toán, một ai đó có thể dùng chỉ số thanh toán hiện hành, chỉ số thanh toán nhanh (acid test) hay chỉ số tiền mặt. Trong ba chỉ số này, chỉ số tiền mặt là khắt khe nhất vì nó đã loại trừ các khoản phải thu, hàng tồn kho, và các tài sản ngắn hạn khác trong tổng tài sản ngắn ngắn hạn của doanh nghiệp.
Trong khủng hoảng Covid-19, chỉ số tiền mặt càng quan trọng hơn trong việc xem xét tính thanh khoản của một doanh nghiệp bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất kinh doanh vì giãn cách xã hội đã khiến cho các khoản phải thu hay hàng tồn kho bị mất đi rất nhiều tính thanh khoản như thường có trước đây.
Bình thường, các khoản phải thu cũng có thể chuyển thành tiền mặt khi được sử dụng như tài sản bảo đảm trong nghiệp vụ bao thanh toán (factoring), hay căn cứ vào đó mà bên cho vay có thể đồng ý. Nhưng trong hoàn cảnh Covid-19, các hoạt động bao gồm dịch vụ tài chính ngân hàng cũng bị hạn chế rất nhiều, thêm vào đó mức độ rủi ro của các khoản phải thu tăng lên rất nhanh, và do vậy nhiều khoản phải thu không còn vai trò quan trọng trong việc thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Cũng như vậy là hàng tồn kho không còn giúp cải thiện khả năng thanh khoản của doanh nghiệp. Khi đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do giãn cách xã hội thì nhu cầu của các nguồn khách hàng cũng giảm đi đáng kể, nếu không nói là nghiêm trọng.
Trên sổ sách kế toán, nếu tính chỉ số thanh khoản qua chỉ số thanh toán hiện hành, hay chỉ số thanh toán nhanh trong giai đoạn Covid-19, thì nhiều doanh nghiệp thoạt nhìn qua tưởng còn ổn nhưng sức ép bị kiệt quệ tài chính là rất lớn. Các khoản phải thu hay hàng tồn kho không thể chuyển thành tiền mặt để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán trong ngắn hạn.
Ngặt một nỗi trong giai đoạn Covid-19, dòng tiền của doanh nghiệp thì “đầu vô bị tịt, đầu ra vẫn đều”. Đó là doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương và các khoản đóng góp bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Đó là chưa kể trả lãi vay hay nợ gốc đến hạn, tiền thuê kho xưởng mặt bằng, và các hợp đồng đến hạn phải thanh toán khác.
Doanh nghiệp cần máy sốc tim
Khi nhiều nước ở châu Âu bị đợt dịch đầu tiên, nhiều chính phủ đã rất lúng túng và bị động trong việc chuẩn bị hạ tầng y tế để chống dịch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp. Sự bất bình của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã khiến các chính phủ này phải cấp tốc sửa sai và thích ứng, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm khi dịch quay trở lại đợt 2, đợt 3.
Dòng tiền được xem là các mạch máu lưu thông trong cơ thể doanh nghiệp, khi nhịp tim bị rớt thì rất cần có máy khử rung để khôi phục lại nhịp tim và điều này là tương tự với tính thanh khoản của doanh nghiệp.
Và một trong những kinh nghiệm quan trọng được đúc kết lại sau hơn một năm chống dịch Covid-19 đó là giữ tính thanh khoản của doanh nghiệp, và giữ việc làm.
Nhiều chính phủ đã nhanh chóng có những quyết định chưa từng có trong lịch sử, kể cả sự can thiệp nhanh chóng của bên lập pháp để gia tăng ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa khả năng bị rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính.
Nhiều giải pháp đã được thực hiện như chính sách thất nghiệp tạm thời, theo đó chính phủ gánh chịu một phần lớn chi phí lương cho doanh nghiệp, bao gồm cả bảo hiểm xã hội, như ở Pháp lên đến 80%. Chính phủ cũng đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay mới hay hoãn nợ, hoặc có các chương trình cho vay với lãi suất 0%, và thậm chí là tài trợ không hoàn lại (grant) ở một số ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất như nhà hàng, khách sạn, du lịch.
Có dịp trao đổi với một số người kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng ở Pháp, người viết đã nhận được những phản hồi rất tích cực của họ với các hỗ trợ của chính phủ kể từ đợt dịch lần thứ 2. Các hỗ trợ từ lương cho đến chi phí thuê mặt bằng đã phần nào xóa đi sự không hài lòng với chính phủ ở giai đoạn chống dịch đầu tiên.
Các thành phố lớn của Việt Nam như TPHCM và Hà Nội đang dần mở cửa trở lại nhưng rất nhiều DNNVV đã rơi vào tình trạng thoi thóp. Bởi vì, theo khảo sát từ tháng 8 mà có đến gần 40% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chỉ còn dòng tiền duy trì ít hơn một tháng, và 46% có thể còn gồng được trong 1-3 tháng sắp tới.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước dự kiến hỗ trợ các doanh nghiệp với chương trình lãi suất ưu đãi, quy mô dư nợ là 100.000 tỉ đồng, nhưng chính sách này còn đang ở thì tương lai. Thời gian cấp cứu là vàng nên mỗi ngày trôi qua là cơ hội hồi phục của doanh nghiệp càng ít đi. Dòng tiền được xem là các mạch máu lưu thông trong cơ thể doanh nghiệp, khi nhịp tim bị rớt thì rất cần có máy khử rung để khôi phục lại nhịp tim và điều này là tương tự với tính thanh khoản của doanh nghiệp.
Nhưng doanh nghiệp đâu chỉ bị sức ép lãi vay. Chi phí lương bao gồm bảo hiểm xã hội là một khoản chi phí rất lớn với các doanh nghiệp ở Việt Nam bởi vì nhiều ngành còn mức độ thâm dụng lao động cao, nhiều nhà máy chỉ là nơi gia công lắp ráp. Doanh nghiệp rất đau đầu khi muốn giữ việc làm vì phải gánh chi phí lớn, mà cắt giảm thì đến lúc tuyển dụng lại lại là một câu chuyện khác cũng khó không kém.
Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi Chính phủ hãy hành động nhanh chóng, thiết thực hơn để hỗ trợ kịp thời khả năng thanh khoản của doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV. Sức chịu đựng nào rồi cũng có điểm tới hạn của nó, nếu không kịp cứu các doanh nghiệp đang thoi thóp hiện nay, thì sẽ cần nhiều năm sau mới có được lại những doanh nghiệp như thế, bởi doanh nghiệp không ổn định và lớn lên trong ngày một ngày hai.
Chi phí cơ hội trong trường hợp này nếu tính đầy đủ sẽ là rất lớn. Vì vậy, nếu có những chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ, thì Quốc hội cần nhanh chóng ra những nghị quyết bất thường đặc biệt để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp.
TS. Võ Đình Trí
(Theo Thesaigontimes.vn)