Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực ứng dụng CNTT để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Đây là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nâng cao đời sống nông dân trong thời điểm hiện nay và hướng tới tạo dựng một kênh tiêu thụ nông sản an toàn, hiệu quả, bền vững.
Với chiếc điện thoại có kết nối internet, chị Lê Thu Trang ở thành phố Lạng Sơn dễ dàng lựa chọn và đặt mua các sản phẩm nông sản. Nếu như trước kia phải ra các chợ đầu mối hoặc liên hệ qua người bán trên mạng xã hội để rồi không ít lần mua phải sản phẩm kém chất lượng, giá cao… nay chị có rất nhiều sự lựa chọn và chất lượng hàng hóa cũng đảm bảo hơn.
Chị Trang bày tỏ: “Việc mua các sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử đã trở thành thói quen. Tôi thấy rất là tiện, nhanh chóng. Chỉ cần gõ vào tìm kiếm Na Chi Lăng, hay Hồng Vành Khuyên Văn Lãng… Không chỉ tôi và rất nhiều người khác, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như này mọi người hạn chế đi ra ngoài đường thì việc đặt hàng và được giao đến tận nơi là điều hết sức tiện lợi”.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các chuỗi cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản truyền thống qua thương lái bị đứt gãy, nhờ lần đầu tiên lên sàn thương mại điện tử, việc tiêu thụ đặc sản Na Chi Lăng vụ này đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Với giá bán bình quân từ 30 – 40 nghìn đồng/kg, hiện 90% sản lượng Na Chi Lăng đã đến tay người tiêu dùng. Uy tín, chất lượng và nhãn hiệu Na Chi Lăng ngày càng được thị trường biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: “Năm nay tỉnh không tổ chức lễ hội Na nhưng so với các sản phẩm khác, năm nay Na Chi Lăng không bị ế thừa, tồn đọng, bà con tiêu thụ rất tốt. Việc đưa Na Chi Lăng lên sàn thương mại điện tử giúp bà con có trách nhiệm hơn trong việc sản xuất ra sản phẩm của mình vì đã truy xuất đến tận vườn, tận gia đình. Trước đây tư thương thường lợi dụng sau rằm, sau mùng 1 thì ép giá người mua… Bây giờ thì trên các trang mạng người dân hoàn toàn có thể mua sản phẩm đúng giá”.
Đến thời điểm này, Lạng Sơn đã phát triển được gần 31.000 cửa hàng số cho hộ gia đình với khoảng 4.300 mặt hàng đang được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, trong đó nhiều loại đặc sản như na Chi Lăng, hồng Vành khuyên Văn Lãng, quýt Bắc Sơn… Đối với việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh tại các thị trường ngoại tỉnh, Sở Công thương Lạng Sơn cũng thường xuyên trao đổi với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước (tập trung tại các thị trường truyền thống như: Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…).
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Mục tiêu của Lạng Sơn là đưa 100% các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh giao dịch tại các cửa hàng số. Bên cạnh đó, để triển khai phát triển ví điện tử, tài khoản thanh toán điện tử để phục vụ người dân giao dịch, chúng tôi đã đề nghị Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hơn 200 cây ATM tại các xã trên địa bàn để phục vụ bà con nhân dân, qua đó sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện thanh toán điện tử”.
Nông sản là loại hàng hóa có đặc trưng thời vụ, thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số để vận chuyển, phân phối nông sản sẽ giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, đảm bảo chất lượng tươi, ngon, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.
Dù vậy, để phát huy những thế mạnh của sàn thương mại điện tử, người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nông sản cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để có được niềm tin của người tiêu dùng không chỉ trong thời gian hiện nay mà ngay cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi./.