Các doanh nghiệp cho rằng, để an toàn sống chung với đại dịch, việc quan trọng là cần gỡ khó các mắt xích từ chuỗi cung ứng hàng hóa, tiến độ tiêm vắc xin, đẩy mạnh công nghệ để rút ngắn thủ tục quản lý, cũng như bản thân doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược để thích nghi với tình hình mới.
Trước diễn biến dai dẳng của dịch bệnh, cùng với tiến trình vắc xin đang được đẩy mạnh tại các vùng bùng phát dịch và nguy cơ cao, xét theo xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đang thay đổi cách tiếp cận và chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay và trong giai đoạn tới.
Với chủ trương mới của Chính phủ đưa ra là, chủ động thích ứng và sống chung an toàn lâu dài với Covid-19. Như vậy, cách tiếp cận mới này đòi hỏi tính chủ động của người dân và doanh nghiệp cao hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Là một trong những doanh nghiệp thích ứng khá nhanh với đại dịch, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong thời gian qua, ngành may mặc thường sử dụng rất nhiều lao động và hiện chúng tôi đang có quy mô 12.000 lao động. Chúng tôi đánh giá cao biện pháp xác định không thể chống dịch tuyệt đối được, phải tìm cách sống chung nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Điều này đã mở ra nút gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp
Nêu rõ vấn đề, ông Thân Đức Việt cho rằng, một là, về mặt thuận lợi, việc chúng ta sống chung với dịch là tất yếu, và quan trọng là cách ứng xử. Thuận lợi ở đây theo ông Việt là về tư duy và tư tưởng. Từ góc độ truyền thông, có hay không việc chúng ta đã quá thổi phồng vấn đề, khiến cho tư duy của chính quyền địa phương và doanh nghiệp cũng như người dân bị ảnh hưởng. Đồng ý chúng ta phải nghiêm ngặt để người dân không chủ quan, nhưng cũng không quá nghiêm trọng để dẫn tới hoảng loạn.
Hai là, chúng ta nên khoanh vùng các doanh nghiệp đảm bảo yếu tố an toàn để đảm bảo sản xuất. Như May 10 theo phương án “3 tại chỗ” có thể sản xuất được 50%, nhưng chi phí tăng gấp 5 lần, doanh thu giảm 1/2, không thể duy trì được. Đối với việc thực hiện “1 cung đường”, công nhân lại không thể qua được các chốt kiểm soát.
Nếu chúng ta giao trách nhiệm cho địa phương thì cũng nên giao trách nhiệm cho chính doanh nghiệp, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài. Chúng tôi cũng cho rằng mỗi người lao động là một chiến sĩ, mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, nếu làm tốt, chúng tôi không chỉ duy trì kinh doanh mà còn chung tay chống dịch với cả nước.
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, Đại diện doanh nghiêp tại Biên Hòa (Đồng Nai) cho hay, chúng tôi đánh giá khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là vấn đề tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa – logistics một cách có hệ thống tổng thể, chiến lược. Đây là mắt xích quan trọng nhất để các doanh nghiệp có thể thiết kế và ổn định sản xuất, cũng là vấn đề mà doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các ban ngành liên quan tập trung để quy định có hệ thống, đưa ứng dụng công nghệ vào để giải quyết nhanh chóng, bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết từ thông quan tới di chuyển trên đường. Rõ ràng doanh nghiệp hoạt động không thể “3 tại chỗ” mãi được, cần phải luân chuyển hàng hóa, nên đây là khó khăn lớn nhất.
Ngoài ra, khó khăn nữa là khả năng tiếp cận và tiến độ tiêm vắc xin. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi làm việc theo kế hoạch trước 1 năm, 18 tháng hay chiến lược dài hơi, tất cả những hợp đồng kí kết đều trên tinh thần này. Do đó, doanh nghiệp không thể hoạt động theo cách hôm nay làm, mai không biết đóng cửa không.
Hiện nay nguồn vắc xin và kế hoạch tiêm chủng tại các tỉnh thành như thế nào, mức độ ưu tiên ra sao, theo ông Ngữ cần giải quyết nhóm an sinh xã hội cho người dân để đảm bảo nhu cầu hàng hoá thiết yếu. Thêm vào đó là an sinh cho doanh nghiệp, luồng hàng hóa lưu thông giống như mạch máu của doanh nghiệp, nên không thể đình trệ được.
Theo các doanh nghiệp đề xuất, trong bối cảnh dịch bệnh, toàn bộ doanh nghiệp đã thay đổi thích ứng với công nghệ, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh công nghệ để rút ngắn thủ tục. Hoạt động chính của chúng tôi đang đặt ở các tỉnh phía Nam- tâm dịch hiện nay, với chủ trương mới “sống chung với dịch”, là một cách nhìn đúng đắn và cởi mở.
Để thích ứng với tinh thần này, bản thân Doanh nghiệp cũng rà soát và điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh 2021-2022 để có cách tiếp cận phù hợp. Ở góc độ doanh nghiệp, cần phải tinh gọn hơn, tái cấu trúc trong suốt thời gian qua về phương thức làm việc, mô hình tổ chức, công tác sản xuất. Và đến tới giai đoạn hiện nay, Doanh nghiệp càn có bộ máy tối giản, điều chỉnh lại các khoản đầu tư cho phù hợp với bối cảnh.
Đối với vấn đề thay đổi phương thức kinh doanh, doanh nghiệp đánh giá, đây là điểm mấu chốt trong giai đoạn vừa qua mà các doanh nghiệp đã thích ứng được. Đối với doanh nghiệp đã điều chỉnh cơ cấu thị trường, trước đây chỉ tập trung vào thị trường nội địa, trong năm 2019-2020, doanh nghiệp đã nâng tỉ trọng xuất khẩu lên cao hơn để tận dụng được cơ hội của thị trường.
Trong năm 2021, chúng tôi điều chỉnh lại cả thị trường nội địa, tập trung vào thị trường phía Bắc, tập trung vào các kênh hiện đại, thay đổi cách tiếp cận trong bán lẻ, toàn bộ thông qua công nghệ và phần mềm để tương tác với nhà phân phối. Từ đây, hàng hóa được tổ chức mạch lạc, nguồn cung được duy trì.
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, trước diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, không chống được dịch cũng không được, không làm kinh tế được cũng được. Vì vậy, bài học đặt ra là chúng ta phải sống chung với dịch. Tuy nhiên, sống chung thế nào thì cần có giải pháp.
Theo TS Lê Duy Bình, để sống chung an toàn với dịch thì doanh nghiệp cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất là phòng, chống dịch hiệu quả tại nơi làm việc, nơi sản xuất, đây là giải pháp tiên quyết duy trì kế hoạch phục hồi, sản xuất, kinh doanh; Thứ 2, tìm những nhóm giải pháp lưu chuyển hàng hóa an toàn, bởi hàng hóa sau khi đã được sản xuất cần được lưu thông an toàn, có như vậy mới kích thích lại sản xuất; Thứ 3, là nhóm giải pháp can thiệp hành chính, phương diện quản lý của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng nhưng chưa đủ, mà cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và cơ quan chức năng trong việc đưa ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.
Mai Anh