Vừa qua, tại TP.Hồ Chí Minh, Câu Lạc Bộ Nhân Sự Việt Nam (VNHR) tổ chức Hội nghị Luật lao động Việt Nam 2021. Đây là hội nghị thường niên có quy mô lớn được tổ chức bởi VNHR – CLB Nhân sự Việt Nam, trực thuộc VACD – Hội các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam.
Với chủ đề “Luật lao động trong Kỷ nguyên công nghiệp 4.0” sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong việc chèo lái phát triển cùng với sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ cũng như nhằm phù hợp và tuân thủ các quy định mới của pháp luật lao động trước những tác động của đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị, các chuyên gia về lao động có kiến thức pháp luật chuyên sâu và nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn phân tích và đưa ra những nhìn nhận cụ thể trong Hội nghị lao động về các chuyên đề: “Những thách thức của Kỷ nguyên công nghệ 4.0 đến một số vấn đề pháp lý trong việc áp dụng Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành”; “Các thay đổi đáng chú ý của Bộ luật Lao động 2021: chủ doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?”, “Soạn thảo hợp đồng lao động: Có gì cần lưu ý khi Bộ luật Lao động 2019 được áp dụng?” và “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do Dịch Covid-19: Đúng hay Sai?”
Công nghệ kỹ thuật số trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 đã và đang tạo tiền đề và sức ép không nhỏ buộc các doanh nghiệp phải chủ động chuyển mình cả trong công việc kinh doanh, tuyển dụng và quản lý nhân sự của doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp đề ra các biện pháp để tiến hành chuyển đổi cách thức làm việc từ phương cách làm việc truyền thống sang làm việc trực tuyến thông qua các phương tiện hỗ trợ dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số là một trong những biện pháp khôn ngoan và hữu hiệu. Vậy thì, khi áp dụng hình thức làm việc trực tuyến như vậy, các doanh nghiệp cần phải lưu ý đến những vấn đề pháp lý gì? Quy định về địa điểm làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, việc xử lý kỷ luật lao động, đánh giá năng lực làm việc của người lao động liệu có gì khác biệt so với hình thức làm việc truyền thống được áp dụng trước đây?
Tại chương trình, các chuyên gia đã có những lời khuyên hữu ích về các giải pháp dành cho doanh nghiệp nhằm vừa quản lý nhân sự một cách hiệu quả hơn và lại vừa tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được các chuyên gia hướng dẫn phân tích chuyên sâu về thông tin pháp lý cũng như kinh nghiệm thực tiễn của việc soạn thảo hợp đồng lao động làm sao cho đúng luật, giảm thiểu tối đa rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp về sau.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã tổ chức Phiên tòa giả định. Với những tình huống có thật giữa Người lao động và Người sử dụng lao động giúp doanh nghiệp như việc các doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do đại dịch Covid-19 là đúng hay sai theo quy định của pháp luật lao động? Covid-19 có đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được xem là lý do bất khả kháng làm căn cứ cho người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không? Ngoài ra, làm thế nào để doanh nghiệp có thể cắt giảm các vị trí việc làm trong doanh nghiệp mà vẫn tuân thủ quy định của pháp luật?… giúp doanh nghiệp có góc nhìn đa chiều và thấu hiểu hơn việc vận dụng Luật khi ban hành các quyết định tương tự tại công ty.
Chương trình là nơi gặp gỡ và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về những chủ đề quan trọng có liên quan đến những giải pháp để doanh nghiệp có thể vượt qua những rủi ro và thách thức pháp lý được đặt ra trong khuôn khổ pháp luật lao động trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0.
Hội nghị Luật Lao động VNHR đóng vai trò hỗ trợ các hội viên VNHR đang làm việc trong các doanh nghiệp nhận thức rõ các thay đổi đáng chú ý của Luật Lao động để làm sao có thể vận dụng cho phù hợp và hiệu quả với tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
Mỹ Thanh