Sáng ngày 25/4/2021, tại Đại học Bách Khoa ĐHQG TP. HCM đã diễn ra buổi tọa đàm khởi nghiệp với chủ đề “Thế hệ Gen Z – Khởi nghề hay Khởi nghiệp?” giúp các bạn trẻ có góc nhìn đa chiều để định hướng sự nghiệp tương lai.
Buổi tọa đàm đã có sự tham gia của hai diễn giả:Chị Trương Lý Hoàng Phi – CT HĐQT & CEO IBP, Sáng lập và Cố vấn chiến lược BSSC, Phó CT Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA), Anh Lê Trí Thông – Phó CT HĐQT & CEO PNJ, Phó CT Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA).
Chị Hoàng Phi và anh Trí Thông bắt đầu buổi tọa đàm bằng cách khảo sát nhanh các bạn sinh viên “Mong muốn nghe, thu lượm gì từ buổi tọa đàm?”. Từ đó, hai anh chị diễn giả bàn luận sâu vào các chủ đề do các bạn sinh viên “đặt hàng”.
Buổi tọa đàm đã có sự tham gia của hai diễn giả:Chị Trương Lý Hoàng Phi – CT HĐQT & CEO IBP, Sáng lập và Cố vấn chiến lược BSSC, Phó CT Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA), Anh Lê Trí Thông – Phó CT HĐQT & CEO PNJ, Phó CT Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA).
Nên chọn chiến lược tập trung hay phân tán cho con đường sự nghiệp?
Đi theo chiều sâu hay đi theo chiều rộng? Sẽ không có câu trả lời đúng tuyệt đối. Bạn trẻ phải tự xác định thế mạnh của bản thân: mạnh một lĩnh vực theo chiều sâu – giỏi chuyên môn thì nên hướng sự nghiệp theo con đường chuyên gia xuất sắc, mạnh nhiều lĩnh vực theo chiều ngang – giỏi quản trị thì đi theo con đường lãnh đạo. Với cả 2 con đường, xã hội và doanh nghiệp đều chào đón vì đều tạo ra giá trị. Con đường sự nghiệp là sự chọn lọc tự nhiên và vì là tự nhiên nên sẽ không cứng nhắc.
Cả hai vị diễn giả đều chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn sinh viên, để tìm được điểm mạnh của bản thân, các bạn có thể trả phí bằng thời gian, khoảng 5 năm, để thử trải nghiệm nhiều lĩnh vực, tìm điểm mạnh nhất của mình là gì bằng cách lắng nghe chính bản thân bên cạnh sự trợ giúp của một người mentor. Sau khi nhìn ra được thế mạnh của bản thân, bạn trẻ cần đầu tư sâu hơn và cam kết theo đuổi thế mạnh của mình.
Tư duy lãnh đạo, người lãnh đạo phải là người học hỏi liên tục?
Các bạn trẻ có lợi thế hơn các thế hệ trước là vốn tuổi trẻ nên hãy cứ dành thời gian trải nghiệm, mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn chứ không chỉ dừng lại ở việc học kiến thức trên giảng đường. Giá trị cao nhất từ giảng đường đại học mang lại cho các bạn sinh viên là được trang bị khả năng tự học cái mới, tổng hợp kiến thức một cách logic và biết cách biến những kiến thức chưa biết thành những kiến thức biết.
Anh Lê Trí Thông – Phó CT HĐQT & CEO PNJ, Phó CT Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA) chia sẻ tại chương trình
Anh Trí Thông chia sẻ kinh nghiệm, trong thời gian anh học trên giảng đường ĐH Bách Khoa TP. HCM, anh đã dành thời gian làm cán bộ đoàn để tăng kỹ năng lãnh đạo. Sau này khi ra trường nhìn lại, anh nhận ra những nền tảng kiến thức và trải nghiệm về xây dựng quy trình trong quá trình hoạt động đoàn đã giúp anh vững vàng hơn trong công việc ở doanh nghiệp. Còn chị Hoàng Phi cho rằng thời của anh Thông, chị Phi có ít cơ hội, môi trường trải nghiệm hơn các bạn trẻ bây giờ, các bạn có rất nhiều CLB, hội nhóm trong và ngoài trường để tham gia. Nhìn lại thời gian đại học của mình, chị Phi nhận định lẽ ra chị nên tận dụng để “nhúng mình” vào thực tế nhiều hơn ví dụ đi bán hàng để tăng kỹ năng Sales, đi nghe các ý tưởng công nghệ mới để tăng khả năng nhạy bén…thì góc nhìn sẽ rộng hơn và tiết kiệm được thời gian trưởng thành nhiều hơn. Bài toán đặt ra cho các bạn trẻ là làm cách nào để tận dụng thời gian, sử dụng tài sản “hữu hạn” là thời gian một cách hiệu quả nhất để nhân bản tài sản này lên nhiều lần.
Anh Trí Thông nhận định đa phần các bạn trẻ nhìn ra bên ngoài, điều kiện môi trường sống, nhiều hơn là nhìn vào bên trong, nội lực của chính các bạn. Các bạn trẻ nên làm giàu nội lực thì các yếu tố bên ngoài sẽ theo đó tốt hơn vì chìa khóa thành công nằm bên trong, trong chính các bạn. Các bạn cần phải xác định rõ mình đang thiếu gì để củng cố, chuẩn bị sẵn sàng nội lực để nắm bắt cơ hội. Bổ sung cho ý từ anh Trí Thông, chị Hoàng Phi cho rằng không bao giờ có sẵn các điều kiện lý tưởng. Các bạn trẻ cần xác định rõ nội lực mình mạnh gì và cần bổ sung thêm những điều kiện gì, từ đó mới mời gọi thêm sự hợp tác. Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công thì phải luôn luôn gia cố những tài sản mạnh nhất của mình ví dụ công nghệ, mối quan hệ….Cuộc đời không bao giờ cho các bạn có đủ tất cả mọi thứ, mà sẽ luôn thiếu một số thứ. Bài toán giải quyết sự thiếu hụt là tối ưu hóa, nhìn vào bên trong để xác định điểm mạnh và điểm yếu để tìm kiếm sự hợp tác. Câu hỏi chiến lược: ta đang có tài nguyên chiến lược nổi trội gì? Cần thêm tài nguyên bên ngoài nào? Nghệ thuật là biết cách phối hợp bên trong và bên ngoài để tạo ra giá trị khác biệt hơn.
Để đầu tư phát triển bản thân có hiệu quả, các bạn trẻ cần biết sắp xếp What – Where – How để biết cần học gì, học như thế nào và học ở đâu để biết khi nào (When) cần bổ sung thêm kiến thức, trải nghiệm. Sau đó thì cần xác định rõ Who – biết rõ ai sẽ là mentor, đồng sự, đối thủ…để học “những dòng chữ trắng” là những thứ không viết trong sách vở, là tri thức của nhân loại – tài sản quý giá của trải nghiệm.
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi tại chương trình
Bạn trẻ nên chọn Khởi nghiệp hay Khởi nghề?
Khởi nghề hay Khởi nghiệp chỉ là một danh vị, là một “giấy gói” của món quà. Nếu giấy gói chỉ là chức danh – làm chủ cho một công ty khởi nghiệp của chính mình hoặc làm lãnh đạo cho một doanh nghiệp của người khác thì ruột của món quà quan trọng hơn giấy gói – độ thành công trong sự nghiệp của bạn thế nào? Nếu khởi nghiệp – làm chủ nhưng công ty nhỏ không tìm ra được hướng phát triển thì không bằng khởi nghề – làm thuê ở vị trí quản lý cho công ty lớn mạnh trên thị trường. Vẫn quay lại điều quan trọng nhất, các bạn trẻ cần biết các bạn muốn gì, xác định vị trí hiện tại, hình dung ra tương lai hướng đến thế nào. Sau đó tìm cách nối giữa vị trí hiện tại và định hướng tương lai bằng các “dấu chấm” trên con đường sự nghiệp. Chị Hoàng Phi cho rằng dù các bạn trẻ chọn khởi nghề hay khởi nghiệp thì sự công nhận năng lực của sếp, khách hàng, đồng nghiệp chính là thước đo thành công thực tế nhất.
Vậy thì các bạn trẻ nên chọn Khởi nghiệp hay Khởi nghề? Quan trọng bạn muốn mình trở thành ai? Hai con đường khác nhau, điểm đến khác nhau, nhưng có một số điểm giao nhau. Tùy theo vị trí mình xuất phát, hiểu mình là ai, đang có gì trong tay và phải cực kỳ tỉnh táo để lựa chọn con đường phù hợp để đi đến đích. Còn đường đi thì không bao giờ là đường thẳng, luôn luôn phải leo dốc, luôn luôn có gió ngược, phải cực kỳ tỉnh táo để té ở đâu thì đứng lên từ đó, kiên trì bước tới theo sự lựa chọn của bản thân.
Đại diện BTC tặng hoa cho khách mời
Cũng trong buổi tọa đàm, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC có phần giới thiệu và phát động cuộc thi Startup Wheel 2021 đến các bạn sinh viên. Chị Lê Thị Tường Vy – Giám đốc Truyền thông Sự kiện của BSSC đã giới thiệu về Startup Wheel. Theo chị Tường Vy, Startup Wheel đã trải qua 8 năm tổ chức liên tiếp thành công với 2 bảng Việt Nam và Quốc tế tiếp cận 20 quốc gia ở 5 châu lục, ở Việt Nam thì Startup Wheel đã tiếp cận được trên 60 tỉnh thành. Mỗi năm, Startup Wheel tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ dự thi.
Chị Tường Vy cho biết Startup Wheel 2021 có tin vui dành cho các bạn sinh viên khi BTC mở thêm một sân chơi dành riêng các ý tưởng khởi nghiệp sinh viên “đấu” với nhau. Theo thống kê, mỗi năm Startup Wheel có hơn 30% các dự án có hàm lượng khoa học kỹ thuật cần tìm nơi ươm tạo, mentor dẫn dắt, gọi vốn đầu tư…Startup Wheel không chỉ dừng lại ở một cuộc thi khởi nghiệp, mà được thiết kế như một chương trình tăng tốc khởi nghiệp, giúp các dự án đi từ ý tưởng đến thương mại hóa. Chị Tường Vy gởi đến các bạn trẻ thông điệp: hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, dấn thân trở thành các nhà khởi nghiệp trẻ, tạo dấu ấn cho thời sinh viên bằng những trải nghiệm trong các dự án khởi nghiệp.
Buổi Tọa đàm “THẾ HỆ GEN Z – KHỞI NGHỀ HAY KHỞI NGHIỆP?” thuộc chuỗi sự kiện phát động cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2021. Startup Wheel được giới chuyên môn đánh giá là một trong những cuộc thi khởi nghiệp chuyên sâu và lớn nhất Đông Nam Á. Startup Wheel diễn ra 8 năm liên tiếp. Mỗi năm, Startup Wheel thu hút sự tham gia của gần 2.000 startups từ 20 quốc gia và hơn 60 tỉnh thành Việt Nam. Các startup Việt bước ra từ Startup Wheel – Bảng Việt Nam và đạt được các thành tựu nổi bật như Vexere.com, Edu2Review, Hector, Joolux, EyeQ Tech, Vbee, T-Farm, Telepro…Bên cạnh đó, các startup quốc tế như Jandi từ Hàn Quốc, Aversafe từ Canada, Saathi từ Ấn Độ, TradingView từ Anh, Bitsensing từ Hàn Quốc, Verily Vision từ Thái Lan…..tham gia Startup Wheel – Bảng Quốc tế từ sự thành công trên thị trường quốc tế đã triển khai kế hoạch mở rộng đến thị trường Việt Nam.
Startup Wheel 2021 đang tiếp tục nhận hồ sơ dự thi tại Việt Nam và quốc tế. Các bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp có thể tìm hiểu và đăng ký tham gia Startup Wheel 2021 tại https://startupwheel.vn/vi/dang-ky/. Deadline đăng ký đến 31/5/2021. Dành cho các bạn trẻ quan tâm đến hoạt động của Startup Wheel, thông tin sẽ liên tục cập nhật tại website https://startupwheel.vn/vi/startupwheel2020/
và fanpage: www.facebook.com/startupwheel hoặc https://www.facebook.com/bssc.vn/
Mỹ Thanh