Sáng 28/01/2021, tại Bệnh viện Quân Y 175, TPHCM đã diễn ra Hội nghị Khoa học “Y học thể thao vì sức khỏe vận động viên và cộng đồng”. Sự kiện do Bệnh viện phối hợp tổ chức cùng trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường.
Nội dung hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về phòng ngừa, điều trị, chăm sóc chấn thương trong thể thao và phục hồi sau chấn thương; vai trò của y học thể thao trong đời sống, ứng dụng y học trong tuyển chọn vận động viên và thành tích; ứng dụng công nghệ thông tin trong y học thể thao hiện đại.
TS Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Đặng Hà Việt và Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng sơn chụp hình lưu niệm
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống nhân dân cũng được cải thiện, nhờ đó hoạt động TDTT cũng đạt được những kết quả tích cực. Thể thao thành tích cao ghi dấu ấn ở đấu trường khu vực và châu lục. Việt Nam đã có huy chương vàng môn bắn súng, huy chương bạc cử tạ, bắn súng, Taekwondo; ở đấu trường SEA Games, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia có thành tích tốt nhất, nếu so sánh riêng về thành tích các môn thể thao Olympic thì đoàn Việt Nam luôn ở vị trí dẫn đầu…Phong trào thể thao quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Theo số liệu cuối năm 2019, số lượng người tập luyện TDTT thường xuyên ước đạt 33,5%; số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 24,6% và số CLB thể thao là 57.218 CLB…
Tuy nhiên, phía sau những thành tích ấy, thực trạng chấn thương trong hoạt động TDTT cũng đặt ra nỗi lo ngại cho các nhà quản lý và ngay cả những người tập luyện.
Thực trạng chấn thương của VĐV hiện nay đáng báo động và tăng dần sau từng năm. Chấn thương thể thao ngày càng phức tạp, liên quan đến khớp gối phải phẫu thuật chiếm đến 80%. Cũng theo “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”, y học thể thao của nước nhà đã có sự phát triển, tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu điều trị chấn thương do không được đầu tư phát triển.
Nếu các chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những hệ quả như làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.
Trong bối cảnh ấy, việc thực hiện các nghiên cứu về vai trò, hiệu quả của phòng, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng đối với các chấn thương thể thao ngày càng được quan tâm. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về ứng dụng của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học thể thao cũng có những giá trị nhất định. Trong nghiên cứu “Vai trò của công nghệ thông tin trong y học thể thao hiện đại: Cơ hội và thách thức”, các nghiên cứu viên đã chỉ ra rằng: Với sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo, các phần mềm với camera độ phân giải cao có thể phân tích các tư thế của vận động viên, giúp bác sĩ, huấn luyện viên phát hiện ra những sai sót có thể dẫn đến chấn thương; từ đó ngăn ngừa và điều chỉnh kịp thời. Nghiên cứu đã đưa ra một góc nhìn mới: Ứng dụng AI trong việc phân tích tư thế chơi thể thao. Đây là một điểm sáng trong công tác điều trị chấn thương, thể hiện tầm nhìn và xu hướng bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của Bệnh viện Quân y 175 và các đơn vị trong mạng lưới y học thể thao – huấn luyện, đào tạo, thi đấu thể thao để đưa nền y học thể thao của nước nhà lên một tầm cao mới.
PGS.TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng trường Đại học TDTT TP. HCM và Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện 175 trao giấy chứng nhận cho các báo cáo viên
Trong năm 2020 vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 liên tục tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, trung tâm thể thao góp phần đẩy mạnh công tác y học thể thao. Bệnh viện triển khai ký kết hợp tác với Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM, đơn vị của các VĐV chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Văn Công (lực sĩ khuyết tật)… và Trường Đại học Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh. Các bên phối hợp nghiên cứu các vấn đề dự phòng và giải quyết chấn thương thể thao để đưa các VĐV, đặc biệt là các VĐV có thành tích cao, mau chóng trở lại luyện tập, thi đấu. Ngoài chấn thương thể thao, Bệnh viện Quân y 175 cũng chú trọng tới sức khỏe của các VĐV và đề ra chương trình kiểm tra, giám sát và theo dõi sức khỏe.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn liên kết hợp tác với hai đơn vị là Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping trong nghiên cứu, đào tạo và điều trị chấn thương. Công tác đào tạo về năng lực chuyên môn của các cán bộ cũng được lấy làm trọng tâm. Bệnh viện Quân y 175 liên tục đẩy mạnh hợp tác và tổ chức các chương trình nâng cao tay nghề cho các cán bộ bác sĩ của bệnh viện. Để áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong công tác khám chữa bệnh và điều trị hiệu quả, các bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 175 được đào tạo về chuyên khoa, vật lý trị liệu với đoàn chuyên gia Đức – quốc gia có nền y học thể thao, chấn thương chỉnh hình phát triển ở trình độ rất cao. Bệnh viện cũng liên tục cử cán bộ sang tập huấn, học tập tại nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Thái Lan, Singapore…
Hội nghị đã mang đến những góc nhìn mới, nhiều màu sắc về chuyên ngành y học thể thao cũng như đóng góp nhiều ý tưởng có giá trị nhằm xây dựng, phát triển mạng lưới khoa học – y học thể thao, mạng lưới các đơn vị huấn luyện – đào tạo – thi đấu và dịch vụ y tế, vì sức khỏe của vận động viên và cộng đồng…
Mỹ Thanh