Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, từ đầu năm tới, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, dòng vốn FDI vẫn “đổ” vào Việt Nam. Tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, đã có nhiều dự án tập trung vào các ngành trọng yếu như năng lượng, hạ tầng, công nghệ. Điển hình có thể kể tới như Dự án điện khí từ khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư Delta Offshore Energy (Singapore), đối tác chiến lược Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott (Mỹ). Dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm. Đây là dự án sử dụng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200 MW là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự án sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm, thu được hàng chục tỉ tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng. Đặc biệt sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm tực tiếp và gián tiếp, thu hàng tỉ tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành”.
Hay tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tháng 10 vừa qua Dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn (liên doanh giữa Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – PVN) làm chủ đầu tư đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD. Đây là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin lên tới 1,6 triệu tấn/năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu. Theo kế hoạch, khi đưa vào vận hành thương mại năm 2023, dự án sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động bao gồm 1.000 lao động có kỹ thuật và đóng góp ngân sách khoảng 60 triệu USD/năm.
Thực tế, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dự án được doanh nghiệp FDI đổ vào Việt Nam – cho thấy sức hút đầu tư tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Điều này được các chuyên gia đánh giá do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định, cùng nhiều lợi thế từ các FTA thế hệ mới.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới có hiệu lực vào tháng 8/2020, sau gần 10 năm đàm phán, sẽ tạo điều kiện cho Liên minh châu Âu có khả năng đầu tư và thương mại với Việt Nam. Hay cuối tuần qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đã được ký kết cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có thêm lợi thế trong thu hút FDI giai đoạn tới.
Ông Terence Alford – Giám đốc Phòng Thị trường vốn và dịch vụ đầu tư Colliers International – nhận định: Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hoạt động tương đối tốt vào năm 2020 với mức tăng trưởng GDP dương từ 2% đến 2,5% vào cuối năm 2020. Đây là một con số rất ấn tượng trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của nó đến các nền kinh tế trong năm 2020. Việc kiểm soát một cách thận trọng và thực tế để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này và cách tiếp cận của Việt Nam đối với đại dịch đã đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng và không rơi vào tăng trưởng âm như nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực ASEAN trong năm 2020.
Theo ông Terence Alford, thành công này đã tạo dấu ấn tích cực ở Việt Nam với tư cách là quốc gia an toàn để sống và làm việc; và là nền kinh tế đáng đầu tư để thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2021 và những năm tới.
Theo báo Công Thương