Ô tô tồn kho lớn, ước tính lên đến trên 40.000 chiếc. Do còn xe sản xuất từ năm 2019, thậm chí là từ 2018, đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết, nhiều doanh nghiệp đang giảm giá khuyến mãi khủng.
Khó khăn chồng chất
Ước tính từ các DN cho thấy, số lượng ô tô tồn kho hiện lên tới trên 40.000 chiếc các loại. Nhiều DN vẫn còn xe sản xuất từ năm 2019, thậm chí là từ 2018 đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết. “Chúng tôi đang đi tìm thêm kho bãi để gửi xe. Do tiêu thụ chậm, từ đầu năm đến nay, số ô tô tồn kho của chúng tôi hiện lên tới gần 10.000 chiếc”, đại diện 1 DN ô tô FDI lớn than thở.
Hiện tượng cung vượt cầu trên thị trường ô tô diễn ra từ cuối năm 2019, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến doanh số ngày càng đi xuống. Đây là thời điểm khó khăn nhất ngành ô tô Việt Nam.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi cách ly xã hội kết thúc, phần lớn các DN ô tô đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, công suất sản xuất hiện chỉ duy trì ở mức rất thấp, do lượng tồn kho vẫn còn cao.
Ô tô đang được giảm giá, khuyến mãi khủng.
Còn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản xuất ô tô 5 tháng đầu năm 2020 giảm 26,9%, dẫn đầu trong các ngành sản xuất bị suy giảm. Trong số xe tồn kho nói trên thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chiếm tỷ lệ lớn.
Để giải cứu ngành ô tô, Chính phủ đã quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Tuy nhiên, vẫn phải chờ nghị định hướng dẫn ban hành.
Ngoài việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng trong năm 2020, Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn đến hết ngày 31/12/2020.
Các DN ô tô cũng đang phải tự cứu mình, tìm cách đẩy mạnh xả hàng. Mới đây nhất, Mitsubishi đã giảm giá cho mẫu Outlander 2.4 lắp ráp trong nước năm 2018 còn 900 triệu đồng. Có nghĩa, khách hàng tiết kiệm được gần 150 triệu đồng so với giá công bố 1,049 triệu đồng.
Do lượng xe tồn kho cao, các DN khác cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giảm giá, khuyến mãi. Khách hàng có thể hưởng ưu đãi lớn từ DN từ nay đến cuối năm 2020. Nhất là với những mẫu xe sản xuất từ 2019 về trước. Xe tồn kho nhiều để lâu khó bán, giá càng giảm mạnh.
Nhiều DN vẫn còn xe sản xuất từ năm 2019, 2018 đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết.
Các DN đang kết hợp với ngân hàng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay mua xe. Với một số mẫu xe nhỏ, khách hàng được hỗ trợ lãi suất 0%/năm trong 2 năm đầu. Cạnh tranh đang diễn ra và sắp tới sẽ có thêm nhiều chương trình cho vay ưu đãi để kích cầu tiêu dùng.
Tiếp tục đại hạ giá
Theo dự báo của các DN, tiêu thụ ô tô dần khởi sắc vào hai quý còn lại của năm 2020. Tuy nhiên, mức tăng trưởng không sẽ cao như những năm trước. Nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp, tăng trưởng kinh tế thấp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì nhu cầu sẽ thấp, ngành công nghiệp ô tô sẽ chịu tác động tới năm 2021. Vì vậy, giảm giá, tăng khuyến mãi sẽ diễn ra liên tục để xả hàng tồn kho từ nay cho đến cuối năm, thậm chí đến cả mùa Tết đón 2021.
Bên cạnh đó, xe trong nước còn phải cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.Tại Thái Lan và Indonesia – hai quốc gia xuất khẩu xe lớn vào Việt Nam lượng tồn kho ô tô cũng rất cao. Mặc dù hiện tại xe nhập khẩu giảm nhưng với quy định thông quan thông thoáng, thời gian tới sẽ tràn vào với giá rẻ. Vì vậy, để cạnh tranh, xe trong nước cũng tung ra những chương trình kích cầu hấp dẫn.
Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm CNHT ô tô) thực hiện từ 10/7/2020, sẽ giúp cho nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước giảm chi phí, duy trì giá bán cạnh tranh.
Các DN ô tô chia sẻ, vấn đề đau đầu nhất hiện nay chính là đầu ra. Không bán được hàng thì DN sẽ gặp khó khăn. Các chi phí cơ bản hàng tháng rất lớn, trong khi nguồn thu từ kinh doanh giảm mạnh, sẽ khiến DN mất cân đối tài chính, nếu kéo dài sẽ phá sản.
Một loạt các DN ô tô đã phải cắt giảm lao động, khiến cho hàng ngàn người mất việc làm. Cùng với đó, mọi chi phí hoạt động đều phải cắt giảm tối đa để duy trì sự tồn tại.
Ngành công nghiệp ô tô là mô hình kinh doanh đa tầng gồm các nhà cung cấp, nhà sản xuất và các đại lý phân phối. Doanh số bán thấp dẫn đến cắt giảm sản lượng, các nhà cung cấp và hệ thống bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền. Hiện ngành ô tô Việt Nam đóng góp khoảng 3% GDP mỗi năm, với hơn 7 tỷ USD vào năm 2019. Năm nay, doanh số bán giảm mạnh, đóng góp cho GDP chắc chắn sẽ giảm theo.
Trần Thủy (theo vietnamnet)