Thị trường gạo châu Á tuần vừa rồi ghi nhận rất ít giao dịch do các quốc gia xuất khẩu chính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó Ấn Độ bị phong tỏa, Việt Nam tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới từ ngày 25/3, Campuchia cấm xuất khẩu gạo trong khi giá gạo Thái Lan lên cao nhất 7 năm.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên 555-580 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013, vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh nước này đang chịu hạn hán. “Hạn hán ảnh hưởng tới nguồn cung và đẩy giá gạo lên cao cũng như khiến người mua xa lánh gạo Thái. Điều này đã diễn ra trong nhiều tuần qua”, một thương nhân tại Bangkok cho hay. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết họ đang theo dõi tình hình xuất khẩu ở các nước đối thủ.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động xuất khẩu gạo tại các nước đối thủ chính như Việt Nam và Ấn Độ, để xem liệu nhu cầu gạo Thái có tăng hay không khi nguồn cung xuất khẩu bị thiếu hụt. Đến nay vẫn chưa có đơn hàng lớn nào từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, nếu nhu cầu tăng vì các nước khác không thể bán, giá gạo Thái vẫn có thể lên cao hơn nếu xét tình hình nguồn cung trong nước hiện nay”, theo một thương nhân khác ở Bangkok.
Thị trường gạo châu Á tuần trước ghi nhận rất ít giao dịch do các quốc gia xuất khẩu chính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, thương nhân ngừng ký hợp đồng mới do thiếu lao động và hoạt động logistics bị gián đoạn do chính phủ ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày từ ngày 25/3. Thậm chí, việc vận chuyển hàng cho các hợp đồng hiện có cũng bị ảnh hưởng.
“Không thể vận chuyển lúa từ cánh đồng về nhà máy và gạo cũng không thể chuyển từ nhà máy đến cảng”, một thương nhân xuất khẩu tại Kakinada cho hay. Quốc gia này đã không báo giá gạo xuất khẩu trong 2 tuần qua.
Việt Nam cũng tương tự. Các nhà xuất khẩu phải tạm ngừng ký hợp đồng mới kể từ ngày 25/3 để đảm bảo nguồn cung trong nước có đủ trong đợt dịch Covid-19. Phải đến ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới chấp thuận nối lại xuất khẩu gạo trong tháng này với hạn ngạch là 400.000 tấn từ 0h ngày 11/4. Phương án xuất khẩu gạo cho tháng 5 sẽ được quyết định dựa trên báo cáo tình hình xuất khẩu tháng 4.
Tại Bangladesh, chính phủ cũng cho ngừng xuất khẩu loại gạo phổ biến vì giá trong nước vọt lên cao nhất 2 năm. Nguyên nhân là người dân đổ xô mua tích trữ trong hoảng loạn vì Covid-19. “Trong bối cảnh này, không có lý do gì để xuất khẩu gạo dù thương nhân vẫn nhận được đơn hàng”, theo một quan chức bộ thương mại nước này. Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cũng cho biết sẽ ban lệnh cấm xuất khẩu gạo, ngoại trừ những loại gạo cao cấp đắt tiền.
Giá gạo châu Á tăng dù giới chuyên gia trước đó dự báo sản lượng lúa gạo năm nay sẽ tăng mạnh và tồn kho gạo và lúa mì đang ở mức cao chưa từng thấy, theo ông Samarendu Mohanty, giám đốc thị trường châu Á tại tổ chức phi lợi nhuận International Potato Center. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái cũng cho biết tồn kho gạo vẫn lớn nhưng xuất khẩu vẫn gặp khó vì lao động Campuchia về nước do lệnh phong tỏa toàn quốc. Theo ông Mohanty, tình trạng này sẽ gây khó cho hoạt động trồng trọt và ảnh hưởng tới các vụ mùa sắp tới.
“Không giống như các lĩnh vực khác, nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời gian phong tỏa vì phải tuân theo lịch trồng trọt và thu hoạch nghiêm ngặt. Nếu chúng ta bỏ lỡ lịch trồng thì sẽ không có vụ thu hoạch nào hết cho cả năm”, Mohanty cho hay.
Ở Ấn Độ và các nước Nam Á, đây là thời điểm thu hoạch vụ đông của lúa mì, khoai lang, bông và một số loại rau củ quả. Các trang trại cần lao động nhập cư để vận hành máy móc và làm các công việc tay chân khác như bốc và dỡ hàng.
Không chỉ châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn nguồn cung cho kỳ trồng trọt mùa xuân.
Nguồn: Thanh Long/ndh.vn