Ngày nay, quảng cáo trên các nền tảng xã hội gần như là xu thế “bắt buộc”. Tuy nhiên, làm thế nào để nhãn hàng tối ưu hoá hiệu quả, tối thiểu hoá chi phí?
Thời lượng ngắn gọn, nội dung cô đọng
Theo nhận định của Cisco, năm 2019, video sẽ chiếm 80% lưu lượng trên Internet. Do đó, tiếp thị bằng video là xu hướng.
Thương hiệu Lotteria thực hiện chiến dịch #Mozzaria trên TikTok
Tuy nhiên, người dùng đang ngày càng có nhiều lựa chọn và thiếu kiên nhẫn hơn, thậm chí thời gian chú ý của thế hệ Gen Z vào video chỉ khoảng 8 giây (theo Wyzowl). Do đó, việc chạy video quảng cáo trên điện thoại di động cần ngắn và cô đọng để phù hợp với nhịp độ chú ý của người dùng.
Quảng cáo “không thể bỏ qua”
Ngày nay, người dùng dễ dàng “bỏ qua quảng cáo” bằng cách cài đặt các ứng dụng “chặn quảng cáo” trên mạng trực tuyến. Điều này đặt ra một “bài toán khó” cho các thương hiệu, làm sao tạo ra một quảng cáo “không thể bỏ qua”?
Ngay lúc này, ngắn – nhanh trở thành yếu tố tiên quyết để các nhãn hàng tiếp cận người dùng. Đó cũng là lý do mà nhiều nhãn hàng lựa chọn TikTok làm nền tảng quảng cáo cho các chiến dịch gần đây. Các giải pháp giúp tăng độ tiếp cận thương hiệu trên TikTok bao gồm Brand Takeover (Thương hiệu tiếp quản) – cho phép hiển thị quảng cáo trong 5 giây, Top View (Thương hiệu xuất hiện hàng đầu) – cho phép hiển thị quảng cáo trong 15 giây, và In-feed Ads (Quảng cáo trong bảng tin) cho phép video của thương hiệu tự động chạy trên bảng tin người dùng. Với nhịp độ nhanh, thời lượng ngắn, người dùng gần như… không thể “bỏ qua” quảng cáo của TikTok, đồng thời cũng không cảm thấy “chán ngán” hay “phiền toái”.
Khách hàng là “nhân vật chính”
Thay vì để quảng cáo tiếp cận khách hành 1 cách thụ động, chủ động thu hút họ tham gia và tương tác với chiến dịch tạo nên hiệu quả truyền thông lâu dài và tỉ lệ chuyển đổi thực tốt hơn.
Viettel gây ấn tượng với chiến dịch #viettelcongcong thu hút hàng nghìn lượt tham gia của cộng đồng TikToker.
Tại TikTok, Hashtag challenge (Thử thách theo chủ đề), Brand effect (Hiệu ứng thương hiệu) là những công cụ hữu hiệu để thu hút người dùng chủ động tham gia các chiến dịch. Cụ thể, nhãn hàng sẽ kết hợp với TikTok tạo ra các thử thách hoặc thiết kế Sticker riêng, qua đó truyền đạt thông điệp một cách tự nhiên đến người dùng. Mới đây, Viettel đã áp dụng “công thức” này với #Viettelcongcong. Với điệu nhảy vui nhộn, thử thách đã thu hút 39 triệu lượt xem và hơn 20.000 video tham gia. Bản thân TikTok sẽ chủ động tư vấn cho các thương hiệu cách tạo ra Hashtag challenge hay Brand effect hiệu quả, phù hợp với thông điệp, trong thời kì mà các công cụ này vẫn còn khá mới mẻ trên thị trường quảng cáo.
Kết hợp với những người có sức ảnh hưởng (Influencer)
65% các thương hiệu đa quốc gia sẽ tăng thêm chi phí dành cho mảng quảng cáo trên kênh của influencer – theo một báo cáo mới từ Hiệp hội Các nhà Quảng cáo Quốc tế (WFA).
Vấn đề nằm ở chỗ những người trẻ bắt đầu tin tưởng vào những nội dung được đăng tải bởi những người bình thường giống họ hơn là những đoạn quảng cáo mà họ là đối tượng mục tiêu. Do đó, ngoài influencer là người nổi tiếng thì các nhãn hàng cũng cần khai thác thế mạnh của micro-influencer (người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng vừa và nhỏ), bởi micro-influencer có cùng “tần số” với người dùng, được tin tưởng và dễ chấp nhận.
Đó cũng là lý do mà những cái tên bình thường như: Bo Bắp, Linh Barbie, Trần Dự, Trà Đặng,… trên TikTok đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của các nhãn hàng.
Cuối cùng, khi nhãn hàng muốn sử dụng TikTok cho một chiến lược tiếp thị, họ có thể cung cấp một bảng tóm tắt công việc có thông điệp họ muốn truyền tải và mục tiêu của họ. Dựa vào đó, TikTok sẽ tư vấn về định hướng nội dung và triển khai chi tiết phù hợp nhất cho họ. Những vụ đầu tư nhận được “quả ngọt” của các thương hiệu như Sunsilk, Viettel, Lotteria… kết hợp với nền tảng video ngắn này thật sự là những câu chuyện điển hình mà các nhãn hàng cần tham khảo.
Hiện tại, TikTok cung cấp 3 hình thức quảng cáo. Trong đó, loại 1 bao gồm: Brand Takeover là quảng cáo ngắn xuất hiện khi người dùng mở ứng dụng, In-feed Ads là quảng cáo xuất hiện thường xuyên khi người dùng lướt xem video trong ứng dụng, và Top View là quảng cáo video dài 15 giây xuất hiện khi người dùng mở ứng dụng. Loại 2 là Hashtag challenge – quảng cáo thông qua thử thách với Hashtag riêng của nhãn hàng được TikTok hỗ trợ quảng bá trên toàn bộ nền tảng. Loại 3 là Brand effects – quảng cáo thông qua sự kết hợp với nền tảng để thiết kế các sticker riêng phục vụ cho chiến dịch truyền thông dựa trên 7 định dạng của TikTok bao gồm: mặt 2D, bối cảnh 2D, tay 2D, đa màn hình, mưa rơi, đổi màu, và trang điểm.
Đặc biệt, khi hợp tác với nhãn hàng, TikTok sẽ có đội ngũ tư vấn riêng về mặt nội dung, đảm bảo nhãn hàng có thể tối ưu hóa công cụ quảng cáo cho chiến dịch của mình.
Theo nhipsongkinhte