Nữ tỷ phú người Thái thông qua các công ty thành viên của mình đã mua lại và sở hữu 34% CTCP Nước mặt Sông Đuống. Thương vụ này có giá trị hơn 2.000 tỉ đồng.
Nhà máy nước Sông Đuống thuộc sở hữu của Tập đoàn Aqua One. Ảnh Aqua One
Thời gian gần đây, đón đầu xu hướng thoái vốn toàn bộ các công ty nước sạch thuộc sở hữu nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân và kể cả nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt nhảy vào mua lại, thâu tóm.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Aqua One (nắm quyền kiểm soát CTCP Nước mặt Sông Đuống) dù vừa mới được thành lập đã nổi lên là một trong những công ty tư nhân hàng đầu Việt Nam với hàng loạt vụ đầu tư nhà máy nghìn tỉ đồng. Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Hậu giai đoạn 1, tổng vốn 1.900 tỉ đồng; Nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hoà Bình gần 4.300 tỉ đồng.
Dự án ‘khủng’ nhất của Aqua One là nhà máy nước mặt sông Đuống – Quy mô vùng tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, với tổng công suất dự kiến 1,2 triệu m3/ngày đêm sau năm 2030. Giai đoạn 1 đã được khánh thành vào ngày 5.9.2019 với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Riêng giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 5.000 tỉ đồng. Mục tiêu đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân tại 168 xã, phường của 8 quận, huyện khu vực Đông Bắc và phía nam của Hà Nội). Ngoài ra, còn có các khu đô thị, và cùng phụ cận Bắc Ninh, Hưng Yên.
Aqua One theo danh sách cổ đông thành lập sở hữu 58% vốn của CTCP Nước mặt Sông Đuống. Tập đoàn này đang thuộc sở hữu của nhiều thành viên, trong đó nắm quyền chi phối là bà Đỗ Thị Kim Liên.
Bà Liên tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 3, một doanh nhân khá nổi tiếng và là nhà sáng lập Ứng dụng công nghệ bảo hiểm LIAN – ứng dụng bảo hiểm đầu tiên của Việt Nam.
Nữ tỉ phú người Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần nhà máy nước sông Đuống. Ảnh TP
“Ẩn mình” thông qua uỷ thác đầu tư?
Ngoài Aqua One, CTCP Nước mặt Sông Đuống còn có các cổ đông sáng lập khác: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sở hữu 10%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) 5%; CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman (nhà đầu tư uỷ thác góp vốn) 27%.
Tuy nhiên, sau khi nhà máy được xây dựng và hoạt động, cổ đông của CTCP Nước mặt Sông Đuống đã có những thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của một công ty đến từ Thái Lan. Theo đó, tên cổ đông sáng lập là CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman đã không còn xuất hiện trong danh sách, thay vào đó là công ty WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited với tỷ lệ sở hữu 34%.
WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED theo giới thiệu là thành viên Tập đoàn WHA – Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan. Bà Jareeporn Jarukornsakul hiện đang nắm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này, sở hữu 10,3% vốn và thông qua WHA Holding Co.,LTD sở hữu 25,3%.
Theo báo cáo, Tập đoàn WHA hiện đang nắm giữ 74% cổ phần tại WHAUP và bà Jareeporn Jarukornsakul đồng thời làm Chủ tịch HĐQT của WHAUP. Bà Jareeporn Jarukornsakul là nữ tỉ phú người Thái Lan, đứng thứ 37 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2018 với tài sản ròng vào khoảng 820 triệu USD.
Ở một diễn biến khác, theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan, ngày 8.8.2019, WHA đã cho phép công ty WHAUP ký hợp đồng mua bán với ông Đỗ Tất Thắng – một cổ đông của CTCP Nước mặt sông Đuống (SDWTP) để mua gần 34 triệu cổ phần, tương đương với 34% tổng số cổ phần của SDWTP. Tổng giá trị của giao dịch là 2.073,19 tỉ đồng.
Như vậy, nhiều khả năng ông Đỗ Tất Thắng chỉ là nhà đầu tư được uỷ thác thông qua CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman để tham gia sáng lập. Sau đó, ông Thắng đã chuyển nhượng lại số cổ phần này cho công ty của nữ tỷ phú người Thái Lan.
Theo Anh Vũ/TNO