Về tình hình phân luồng sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, tính đến ngày 1/11, tổng số doanh nghiệp đăng kí hoạt động trở lại là 1.342/1.412 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ 95%.
Trong đó, số lao động làm việc là 216.000/288.000 lao động, đạt 75%. Riêng tại khu công nghệ cao, theo ghi nhận có 88/88 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 100%) với 145.000 người công nhân viên (đạt 84%).
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, hiện có hơn 6.500 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đăng kí tổ chức sản xuất trở lại. Các quận, huyện và TP Thủ Đức đang tiếp tục cập nhật số lượng doanh nghiệp đăng kí phương án hoạt động lại để gửi về Sở trong thời gian tới.
4 việc cần làm ngay để giải quyết căn cơ an sinh xã hội trong tình hình mới
Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm, “Hiện nay TP.HCM đã cơ bản hoàn thành đợt hỗ trợ thứ 3, tuy nhiên trong tiến trình tiến tới “bình thường mới”, việc định hướng an sinh xã hội (ASXH) sẽ được tính toán như thế nào để không chỉ giải quyết tình huống mà còn hiệu quả căn cơ, lâu dài hơn”.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 và giải quyết căn cơ tình hình ASXH trên địa bàn, theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trước hết cần triển khai đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn; Song song với đó là thúc đẩy có hiệu quả vấn đề lao động – việc làm thông qua các giải pháp phù hợp để hỗ trợ thu hút lao động trở lại TP, đào tạo nghề để xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao.
Đẩy mạnh việc áp dụng chiến lược khoa học và công nghệ để thúc đẩy quá trình tái sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tăng cường công tác thông tin và truyền thông, có thông điệp rõ ràng, nhất quán để dân hiểu – dân ủng hộ và thực hiện.