Sự bùng nổ của công nghệ đang dần định hình nên một sân chơi mới, làm thay đổi tư duy chiến lược của các CEO và nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Muốn đi dài và đi đến hết “cuộc chơi”, nhà lãnh đạo buộc phải hiểu rõ và nằm lòng tất cả “luật chơi” cũng như chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng, nếu không sẽ bị hụt chân và lỡ nhịp với guồng quay thời đại số. Vậy những vị “nhạc trưởng” 4.0 đang quan niệm, có tầm nhìn như thế nào và sẽ chuẩn bị những gì cho cuộc chơi mới này?
Xu hướng “lội ngược dòng” của yếu tố con người
Sau gần một thập kỷ với quá nhiều ưu tiên và đầu tư cho “cơn lốc” công nghệ, kỹ thuật, nhiều cá nhân và tổ chức bắt đầu nhận thấy sự cần thiết của mảnh ghép con người trong quá trình chuyển đổi, phát triển và bứt phá. Ở góc độ kinh doanh, dễ dàng nhận thấy khi công nghệ càng thay đổi, các vấn đề mới sẽ càng xuất hiện ngày càng nhiều và phức tạp, đòi hỏi sự phân tích và bóc tách của con người. Suy cho cùng, mọi vấn đề đều liên đới tới con người và chính con người là cốt lõi của mọi giải pháp.
“Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh. Mỗi nhân viên cần được tạo cơ hội để phát huy tối đa sức mạnh cá nhân trong một tập thể thống nhất, luôn hiểu rõ tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty để sẵn sàng thay đổi và tạo ra những đột phá mới”, ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng Giám đốc FWD Việt Nam nhấn mạnh.
Còn đối với ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Nestlé Vietnam, cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh gay gắt về nhân lực. Ở Nestlé, con người là nguồn lực quý giá nhất, sự tăng trưởng về nguồn nhân lực luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của công ty. “Chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng và duy trì một chính sách nhân sự công bằng, hấp dẫn cùng một không gian làm việc tự do, sáng tạo, góp phần mang lại hứng khởi cho nhân viên và tăng tính liên kết trong đội ngũ.”
Lazada Việt Nam, một trong những đơn vị vừa được Tạp chí HR Asia trao giải Nơi làm việc tốt nhất châu Á và được xem như môi trường điển hình thu hút thế hệ Millennials khi 96% nhân sự thuộc thế hệ này, cũng khẳng định ưu tiên của mình nằm ở yếu tố con người.
“Tại Lazada, giá trị đầu tiên và lớn nhất của chúng tôi chính là ‘Khách hàng thứ nhất. Nhân viên thứ hai. Cổ đông thứ ba’. Trong mọi quyết định được đưa ra, chúng tôi đều mong muốn đem lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng và chính nhân viên của mình. Đó là cách mà chúng tôi thành công”, ông James Dong, CEO Lazada Việt Nam & Thái Lan chia sẻ.
“Chuyển đổi số bắt nguồn từ chuyển đổi con người”
Chia sẻ chung ý kiến về vai trò nguồn lực, ông Andy Han Suk Jung, CEO SonKim Land cho biết, chìa khóa quyết định thành công của doanh nghiệp trong thời đại số không nằm ở những ứng dụng công nghệ, mà chủ yếu ở chuyển đổi về mặt con người.
“Chuyển đổi số là xu hướng không thể tránh khỏi cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Những đổi mới công nghệ, bằng cách này hay cách khác, sẽ thay đổi bản chất của nhiều công việc. Công nghệ chắc chắn sẽ đi xa, nhưng khó có thể thay thế con người trong một số công việc đặc thù thiên về tương tác, xúc cảm, trí tuệ và niềm đam mê”, ông Andy nói.
Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Nestlé Vietnam cho biết thêm, “Lợi thế cạnh tranh thực sự của một doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số đã dần chuyển từ “hard-ware” sang “heart-ware” – lấy con người làm trọng tâm, dùng “tâm trị nhân” và vận hành công việc. Nhân viên cần được đào tạo và trang bị đầy đủ kỹ năng để có thể hòa nhập, thích nghi và kích hoạt tối đa khả năng của mình trước những đổi thay của công nghệ.”
Vì vậy, bên cạnh việc băn khoăn liệu máy móc sẽ thay thế con người như thế nào, điều mà những nhà lãnh đạo cần nghĩ tới và bắt tay vào làm ngay là thiết kế lại tổ chức và xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng thích nghi với những thay đổi chóng mặt của thời đại mới.
Sức mạnh của một tầm nhìn thống nhất
Ngoài yếu tố con người, chiến lược và hướng đi của doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của tổ chức. Theo bà Rosaline Chow Koo, Nhà sáng lập kiêm CEO tập đoàn CXA (Singapore), thành công của doanh nghiệp xuất phát từ sự thống nhất về tầm nhìn trong đội ngũ. Tầm nhìn lãnh đạo là tôn chỉ kết nối toàn bộ nhân sự thành một tập thể đoàn kết, tạo ra một bản sắc riêng biệt và đặt những nền móng đầu tiên cho chiến lược phát triển của tổ chức.
Trong quá trình đổi mới doanh nghiệp, một nhà lãnh đạo phải có được tầm nhìn xa, phải tạo niềm tin vào nhân viên của mình, đồng thời để ý đến các tác nhân thúc đẩy thay đổi nội tại, cũng như chú trọng hợp tác với đội ngũ nhân sự để lèo lái hệ thống đi đúng tầm nhìn chung của công ty.
Thay đổi: Không gấp, nhưng cần chuẩn bị!
Ông Raymund Chua, nguyên Giám đốc điều hành Heraeus Châu Á Thái Bình Dương, chuyên gia nhân sự với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn, nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy dám thay đổi trong bối cảnh sân chơi mới. Dưới góc nhìn của vị doanh nhân này, chúng ta đang sống ở một thế giới nơi mà thay đổi đang diễn ra hàng ngày.
Những sự khởi đầu mới, những dự án mới, những cải tiến về công nghệ, những bước đi trước đối thủ – cộng hưởng vào nhau tạo ra sự thay đổi liên tục ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và làm việc. Nếu chúng ta không sớm nhận diện được những thay đổi đó mà cứ mãi trì trệ, thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Raymund cho biết, không phải ai cũng sẵn sàng cho sự thay đổi, và quá trình chuyển đổi cần được tiến hành từ từ, khởi đầu từ những điều nhỏ nhất thay vì thay đổi cả một hệ thống trong tổ chức. “Tầm nhìn cho sự thay đổi phải được doanh nghiệp truyền đạt một cách rõ ràng để mọi người hiểu rõ. Thay đổi không diễn ra một sớm một chiều, nhân viên cần được trang bị đủ thời gian và cơ hội để bắt nhịp và thích nghi”, ông nhấn mạnh.
Vietnam HR Awards Forum 2019 – Nơi các CEO hội bàn về những “luật chơi” mới
Với chủ đề Entering Tomorrow Today – Chạm Bước Tương Lai, Vietnam HR Awards Forum 2019 quy tụ hơn 500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng nhân sự tại Việt Nam và khu vực để cùng chia sẻ những góc nhìn đa chiều và cấp tiến về bối cảnh thị trường trong tương lai, giải mã xu hướng về sân chơi mới, luật chơi mới và tâm thế mới trong cuộc đua tiến tới chuyển đổi số.
Tọa đàm tổ chức ngày 21/11/2019 với nhiều đề mục được quan tâm từ cả lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng nhân sự. Thông qua chia sẻ của hơn 15 diễn giả là những CEO và lãnh đạo hàng đầu, bức tranh toàn cảnh về một sân chơi mới sẽ hiện ra rõ nét, giúp doanh nghiệp định vị các sách lược, công cụ và tâm thế phù hợp để bước vào cuộc chơi. Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện sống động về công cuộc thay đổi để thành công cũng sẽ được chính những người trong cuộc chia sẻ và phân tích, hứa hẹn truyền cảm hứng và cung cấp kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nhỏ đang “chập chững” bước vào cuộc chơi lớn.
Ông Huỳnh Hữu Khang – Tổng Giám đốc FWD Việt Nam; ông Andy Han Suk Jung – CEO SonKim Land; ông Raymund Chua – nguyên Giám đốc điều hành Heraeus Châu Á Thái Bình Dương; bà Rosaline Chow Koo – Nhà sáng lập CXA Group sẽ cùng góp mặt tại Vietnam HR Awards Forum 2019, bên cạnh những chiến lược gia tiêu biểu khác như: bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, ông Jeffrey Alan Fielkow – Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, bà Melissa Nguyen – Giám đốc Quốc gia về Giải pháp khách hàng của Google tại Việt Nam và Thái Lan, ông James Dong – CEO Lazada Việt Nam và Thái Lan…
Vietnam HR Awards Forum 2019 quy tụ đông đảo diễn giả là những CEO và Tổng giám đốc các công ty lớn trong và ngoài nước
Theo Trí Thức Trẻ